Monday, February 26, 2018

Niềm Vui Năm Mới

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Con bà là người của một đất khác tới đánh nhau với chúng tôi. 
Nhưng khi anh ấy chết trên đất này anh ấy là con của chúng tôi.

Thật ra cái niềm vui này bắt đầu từ cuối tháng 10 năm ngoái. Nó giống như một hạt giống được gieo xuống mặt đất lúc còn mùa thu, chờ mùa xuân đến sẽ nẩy mầm.

Giống như một người nhà nông, chăm chăm hướng về cánh đồng, tôi mở cả ngũ quan ra chờ cái mầm xanh bé tí chui lên khỏi mặt đất trong dịp xuân về. Mặt đất Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Cỏ sẽ xanh, hoa sẽ mọc, những người hy sinh mạng mình cho đất nước sẽ lại được mồ yên, mả đẹp như xưa.

Tháng 10 năm ngoái ( 10/2017) Hội VAF (Vietnamese American Foundation - Hội Người Mỹ gốc Việt) đã vận động được chính phủ Hoa Kỳ thỏa thuận với chính phủ Việt Nam cho chính thức trùng tu lại nghĩa trang quân đội Biên Hòa.

Bản tin trong báo Người Việt viết:
“Sau nhiều năm vận động chính giới và chính phủ Hoa Kỳ can thiệp về vấn đề trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, với kết quả được 19 dân biểu Hạ Viện đồng thuận gửi văn thư yêu cầu Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ủng hộ Vietnamese American Foundation (VAF).”

Như tất cả những người Việt Nam Cộng Hòa bỏ nước chạy Cộng Sản ngày 30/4, thất tán mười phương. Ai ai cũng vừa chạy vừa quay đầu nhìn lại. Chúng ta nhìn thành phố, nhìn khu xóm, nhìn ngôi nhà thân yêu, đang bốc cháy hay đang bị người khác chiếm đoạt. Rất nhiều người trong chúng ta còn ngoái đầu nhìn lại những nấm mồ. Những nghĩa trang chôn cất người thân yêu rồi đây sẽ bị tàn phá theo thời gian, sẽ thành những nấm mồ vô chủ. Đau đớn nhất là những nấm mồ tử sĩ. Vì chúng ta biết ngay cả những người lính quốc gia đã chết rồi, họ vẫn bị coi là kẻ thù truyền kiếp của Cộng Sản.
 Điều đó không sai, cả mấy chục năm sau, mỗi khi nhắc đến những người Cộng Hòa còn sống sót thì họ gọi là “Ngụy” và những người trong quân ngũ thì gọi là “Lính Ngụy”.

Những ngôi mộ lính ngụy vẫn không được phép chính thức săn sóc, trùng tu.

Nhà nước Cộng Sản mở cửa ra đón người Việt hải ngoại về, nhưng vẫn làm khó khăn cho những người về viếng và trùng tu mộ tử sĩ.

Chiến tranh là một cái gì xấu xí và vô nhân. Nhưng khi đã tàn cuộc chiến rồi mới nhìn rõ được cái “tâm” con người đối xử với nhau như thế nào. Cái tâm của người thắng đối với kẻ thua.

Trong một lần chúng tôi du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ, người hướng dẫn đưa đi qua một nghĩa trang và kể cho nghe về một câu chuyện lịch sử chiến tranh:

Trong nghĩa trang Lone Pine Cemetery ở Gallipoli thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), một nước theo đạo Hồi, nghĩa trang được lập ra để chôn chung những lính liên quân Úc, Anh, Tân Tây Lan đã đánh nhau với quân Thổ trong Đệ I Thế Chiến và đã tử trận tại đây, nghĩa trang này đã chôn cả ngàn quân vừa liên quân vừa Thổ quân. Vị Tổng Thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ (từng là Tướng chỉ huy những trận đánh) Mustafa Kemal Ataturk người đã có cái “tâm” gửi một thông điệp cho tất cả những quân nhân hy sinh trên đất Thổ trong cuộc chiến giữa Thổ và liên quân Úc, Anh, Tân Tây Lan. Đối với ông mỗi người lính ra trận ở bất cứ phía bên nào cũng là một người anh hùng.

Those heroes that shed their blood and lost their lives….. You are now lying in the soil of a friendly country. Therefore rest in peace.There is no difference between the Johnnies and the Mehmets to us where they lie side by side in this country of ours. You, the mothers, who sent their sons from far away countries, wipe away your tears. Your sons are now lying in our bosom and are in peace . After having lost their lives on this land, they have become our sons as well.

(Johnnies: liên quân: Anh, Úc, Tân Tây Lan
Mehmets: lính Thổ Nhĩ Kỳ. )
 
Những người anh hùng đó
Máu chàng đã chẩy xuống
Xin hãy nằm xuống đây
Mảnh đất thân thiện này

Xin hãy nằm cạnh nhau
Đừng đi đâu về đâu

Dù chàng là ai nữa
Lính của phía bên nào
Chàng là lính Liên Quân
Hay một người lính Thổ
Chàng đã nằm xuống đây
Đã nằm trong đất này
Mặt đất đầy thân thiện
Đừng đi đâu về đâu

Những người mẹ xa xôi
Xin lau dòng lệ chẩy
Con bà đã tới đây
Con bà đã nằm xuống
Thân trong ngực đất này

Đất đã mở vòng tay
Ôm con vào lòng đất
Mặt đất thân thiện này
Con bà sau khi mất
đã thành con chúng tôi. (tmt dịch) 

Ôi “cái tâm” của vị Tướng này đẹp đến thế nào mới thốt ra những lời vàng ngọc như thế. Cho đến bây giờ bất cứ ai được đọc hay nghe những lời này  cũng nao nao trong lòng khó cầm được nước mắt.
Ở trên đất nước Việt Nam. Người miền Nam người miền Bắc đánh nhau, cùng chết, nhưng không bao giờ được chôn cùng nhau. Những ngôi mộ của anh hùng miền Nam thì điêu tàn hoang phế và những người lính Việt Nam cộng Hòa còn sống hay đã chết đều được gọi là “Lính Ngụy”.

Mùa Xuân đang tới, với những lời hứa hẹn tốt đẹp giữa hội VAF và những quan chức trong nước, với sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ, chúng ta hy vọng nghĩa trang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa được chính thức trùng tu trong một ngày rất gần. Những anh hùng tử sĩ này đáng được tôn trọng vì họ đã đổ máu và hy sinh mạng sống cho chính đất nước mình.

Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng những nấm mộ trắng toát, hàng tiếp hàng, những mảng cỏ xanh non, những bụi hoa nho nhỏ và mùi khói nhang bay thơm ngát lẫn trong gió xuân.

HÌNH- Sông Thạch Hãn-Quảng Trị

Đêm qua tôi đã có một giấc mơ thật đẹp. Tôi nằm mơ thấy mình đi bộ bên một dòng sông vào sáng Mồng Một Tết, tôi đã dừng lại trước một tấm bia Tưởng Niệm dựng giữa khu đẹp nhất của bờ sông đó, đọc được:

“Nước trong sông Thạch Hãn này đã một thời hòa chung dòng máu của những anh hùng Nam Bắc.”

Ôi, đất nước Việt thân yêu của tôi, những dòng sông lịch sử của tôi!

Ôi, những anh hùng tử sĩ của cả hai miền Nam Bắc đã hy sinh cho đất nước này.

­­­­­­
tmt

 Xuân Mậu Tuất-2018

(*) Dù không được chính thức cho phép, nhưng với sự cố gắng của hội VAF trong số 16,000 mộ quân nhân chôn cất ở NTQĐ Biên Hòa, hội và một số tư nhân đã trùng tu được gần 6000 ngôi mộ trong thời gian hơn 2 năm (Tháng 5/2014 tới tháng 12/2016).

Friday, February 16, 2018

Anh Hãy Cùng Em Về Với Tháng Giêng

Thơ Trần Mộng Tú

Em mở cửa đón ngày đầu của tháng Giêng/có vạt nắng len vội vào cánh cửa/câu thơ dán trên mặt giấy điều còn thơm mùi nhang đêm giao thừa/ Mùa xuân đang chao nghiêng bên hồ/ đất trời lồng lộng lòng người mang mang/ nheo mắt lại nhìn quê nhà xa tắp/em muốn thổi mùa Xuân về bên ấy/để mùa Xuân xóa đi những ký ức không vui/ Năm mươi năm một bình mực đen đổ trên trang sử Việt ngậm ngùi/người ta vẫn khuấy lên rồi nạm vàng bằng những điều giả dối.

Em thắp thêm nhang cho thềm trước vườn sau/ cầu xin cho đất quê nhà đất quê người an lạc/cầu cho anh cầu cho em và cho con cháu chúng mình/ sống từng ngày là những con người lương hảo/ từng ngày nói lời chân thật/ từng ngày lấy lòng hiền mang tặng cho nhau/ con cháu chúng ta được sống và lớn lên như tre trúc/ tính thẳng ngay và ruột rỗng oán thù/ em và anh khi về với mẹ với cha cũng sẽ mang theo hành trang là hai bàn tay trắng mở/ nếu có nắm vào, chỉ nắm một câu Thơ.

Anh ơi tháng Giêng đang cùng em mặc cả/ em xinTháng Giêng cho em một hộp phấn đủ màu để em tô lên má và rắc lên tóc trắng/ để em nhuộm ngày hồng nhuộm tháng xanh cho cả kẻ dữ người hiền/ cả nhân gian em vẽ vào một bức tranh yên/ đường ranh giới bị nhòe dưới phấn. Tất cả sẽ sống trong một ngôi làng Hạnh Phúc.

Tháng Giêng đang xin nắm tay em dắt em cùng trở về thời xa xưa ấy/ bàn chân em đã bước cao bước thấp/ nhưng tay em vẫn cầm một cành đào có bài thơ của Vũ Đình Liên.

Anh hãy cùng em về với tháng Giêng.

tmt
Mồng Một tháng Giêng Mậu Tuất
Ngày 16/2/2018

Saturday, February 3, 2018

CHIẾC GHẾ TRỐNG (tưởng nhớ Trần Văn Nam)


Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018


Hiên Café Factory, từ trái : Vương Trùng Dương, Trần Yên Hòa, 
Đạm Thạch, Thành Tôn, Trần Văn Nam.

Hôm nay tôi đến sớm nhất, kéo cho mình một chiếc ghế ngồi xuống chờ các bạn. Sáng chủ nhật của ngày mùa đông đất trời se lạnh, một chút nắng yếu ớt còn trốn trên ngọn cây. Tôi mặc áo khoác thật dầy mà vẫn lạnh. Quán cà phê đã bắt đầu đông, tiếng ly tách chạm nhau khe khẽ trên quầy nghe thân mật ấm áp, mùi cà phê đã thơm nhè nhẹ trong không gian.

Quán này là nơi hẹn của chúng tôi, một nhóm nhỏ của nghững người bạn văn nghệ. Chúng tôi hẹn nhau không thành lời, cứ sáng chủ nhật ai không vướng bận gì thì tới đây, ai tới được thì tới, ai bận việc riêng thì thôi. Có khi năm sáu người, có khi ba bốn người, thậm chí có khi chỉ hai người gặp nhau thôi. Đã có một lần tôi tới đây một mình, chờ mãi chẳng có ai, tôi định về, nhưng mùi cà phê quyến rũ quá, tôi cũng kéo ghế ngồi xuống cái góc quen thuộc, gọi cho mình một ly cà phê ngồi nhâm nhi, nghĩ ngợi bâng quơ:

Cứ tới, cứ ngồi xuống, dù một mình, cứ làm thành một cuộc gặp mặt với cà phê. Đã sao! Cứ ngồi xuống và nếu ai đó bất ngờ tới, khi gặp mặt nhau, mùa đông cũng thành mùa xuân.


Bình minh đẹp, trời tiết xuân
Những người ngồi quán cuối tuần có nhau
Đến vui, chẳng mong gì đâu
Những cố chấp tránh, những sầu bỏ đi
  (*)

Nhà hàng đã nhớ khách, và khách cũng nhớ nhà hàng. Chỉ cần nhìn mặt, nhà hàng nhận ra ngay ông khách này thích uống ly cà phê pha cách nào. Cả hai cùng hài lòng về mối thâm giao giữa nhà hàng và khách. Đôi khi có bạn văn từ xa ghé thành phố cũng được bạn địa phương mời tới họp mặt buổi sáng cà phê ở đây. Bạn xa tha hồ mà trầm trồ mà nhớ mãi.


Trần Văn Nam là người đứng duy nhất. Ngồi, từ trái: 
Phạm Phú Minh, Nguyễn Đình Thuần, Aki, Nguyễn Tường Thiết, 
Phùng Minh Tiến, Thành Tôn.


Các bạn của sáng chủ nhật hôm nay đã kéo nhau tới dần, cũng được đến tám người, kể cả tôi nữa. Họ ngồi xuống, gọi cà phê cho nhau. Họ không nhìn thấy sự hiện diện của tôi. Nắng đã lên và hai bàn tay tôi đã ấm. Tôi tự bắt tay mình, tôi xoa hai bàn tay mình vào nhau, nghiêng tai nghe các bạn nói chuyện.

Họ nói về những ngày cuối năm, về cái tết sắp tới, về mùa đông năm nay lạnh hơn những năm trước, về bệnh cúm đang vào thành phố. Tôi yên lặng ngồi nhìn các bạn, nhìn màu cà phê đậm đặc, yên lặng nghe tiếng muỗng chạm vào thành ly, yên lặng nghe các bạn nói về một người bạn mới ra đi tuần trước.

Một người bạn, rồi một người bạn kế tiếp, họ rơi xuống như chữ rơi xuống một câu thơ. Cần bao nhiêu chữ đễ hoàn thành một câu thơ! Những câu thơ viết xuống mùa đông của đời người.  

Cà phê bốc khói mơ màng
Bãi xe, mùa bớt lá vàng phong sương
Bầu trời trụ nét mây vương
Cõi người, ai nhớ đời thường hôm nay!
  (*)

Nhớ nhau chứ, những người bạn này mãi mãi nhớ nhau. Họ ngồi với nhau những sáng chủ nhật tại quán này và tôi đã từng là một thành viên trong nhóm bạn này.

 Một người đến trước, ngồi đó, khi có bạn tới, họ đứng lên, kéo chiếc ghé bên cạnh mình, vồn vã, tranh nhau mời: ngồi đây, ngồi đây, ngồi cạnh tôi này. Họ vồn vã như thật lâu rồi không gặp lại nhau. Tiếng ghế kéo ấm áp cả mùa đông. Họ nhìn nhau qua những sợi tóc bạc, những vệt đồi mồi trên má, những vết nhăn đuôi mắt. Chẳng thấy gì cả ngoài “một người bạn” đã thấm đẫm thuốc nhuộm thời gian.

Một chiếc ghế trống, một ly trà được rót ra cho tôi thay vì một tách cà phê. Tên tôi được nhắc tới. Có ai nhìn thấy tôi đâu, tôi cầm ly trà lên uống một ngụm nhỏ, không cảm nhận được vị trà trên môi gì cả, hình như tôi uống vào một hớp không khí, tôi nhìn từng khuôn mặt bạn hữu chung quanh, mặc dù tôi biết đã gặp họ ở đâu đó trong một quãng đời nào đó, sao bỗng dưng trở thành xa lạ, tôi bỗng thấy mình cô đơn lạc lõng.

Những người bạn chung quanh tôi bắt đầu nói chuyện. Họ nói lao xao, tiếng nọ chồng lên tiếng kia. Rồi cuối cùng họ hỏi nhau.

 Ai sẽ là người tới đây sau cùng. 

Tôi thấy thương cho tất cả bạn mình. Tôi muốn được ở lại với họ, tôi cũng muốn rủ họ đi với tôi. Mà thôi, nơi tôi tới cũng còn mới mẻ quá, tôi vẫn còn lang thang đi tìm những người bạn cũ đã bỏ đi trước tôi, tôi đi gõ từng cánh cửa vô hình.
 

Một đời người nào khác chi một khúc sông của dòng sông. Bắt nguồn từ đâu và kết thúc ở đâu? Nào ai biết. Nhưng thật sự chúng ta có cần biết không? Con sông có bao giờ tự hỏi mình về cái điều đó, nó chỉ cần có mặt và trôi đi, trôi đi…
 
Dòng sông không phải bắt nguồn từ không gian
Của bình nguyên tuyết trắng
Qua rừng núi bạt ngàn
Dòng sông đã bắt nguồn từ thời gian
Do tình thương quá khứ 


Do muôn trùng kỷ niệm miên man.  (*)
 
Ai đó vừa cầm ly trà đã rót để trước mặt chiếc ghế trống, kêu lên:

“Ồ, anh chàng đã cạn chén trà rồi!”
 
Tôi đã đến và tôi hiện hữu. (-)
 
Trần Mộng Tú

1/29/2018

(*) Thơ Trần văn Nam

(-) Dựa theo câu nói: Je pense donc je suis - Descartes (Tôi suy nghĩ tức là tôi hiện hữu)