Saturday, October 14, 2017

NGƯỜI KHÁCH Hàng Năm

Cứ mỗi khi đổi mùa, từ mùa Hạ sang Thu hay từ Thu vào Đông là người khách đó tới.

 Bạn có thể đoán người khách đó là một người đàn ông và không hiền lành gì. Anh ta có thể tự nhận là người quen lâu vì năm nào anh ta cũng tới, ít nhất là một lần. Tuy vậy tôi không thể nào thân thiện với anh ta được.

Anh ta chẳng hẹn hò bao giờ cả. Có khi nửa đêm thức dậy, bước chân xuống giường thấy anh ta sừng sững trước mặt như đã vào nhà mình từ bao giờ. Hoặc có hôm sau một buổi lễ sáng ra, đi ngang sân nhà thờ lộng gió ra bãi đậu xe về tới nhà đã thấy anh ta.

 Anh ta xô cửa bước vào, chẳng hỏi han, cũng chẳng gõ cửa, anh tỉnh bơ sự hiện diện của tôi, thế là lồng ngực tôi nhói đau vì tức. Anh bước ngược lên nhà trên, cuống họng tôi rát, bắt đầu tôi cất tiếng ho, anh mặc kệ, bước thẳng thêm vài bước nữa, lên lầu, vào phòng làm việc của tôi, lục lọi, làm tôi nhức đầu, anh đánh đổ chai nước, tôi hắt hơi, xổ mũi. Cả ngôi nhà của tôi phải chịu đựng người khách khó chịu này.

 Thật ra ngôi nhà này khá cũ kỹ, nó được dựng lên cả bẩy chục năm rồi chứ mới mẻ gì, mặc dù tôi có bảo trì, mái và tường thỉnh thoảng được quét vôi thay ngói, kính cửa sổ được lau chùi, gọi thợ xem chừng đường nước, giây điện, khám máy điều hòa. Bảo trì thì có đấy, nhưng làm sao đi ngược lại với thời gian. Tôi chẳng thể kéo nó xập xuống rồi thay bằng ngôi nhà khác vì cái nền nhà này không cho phép làm nhà mới, tôi không phải chủ đất, cha mẹ tôi chỉ thuê phần đất này và dựng ngôi nhà cho tôi. Mà cha mẹ tôi cũng chẳng còn nữa mà săn sóc ngôi nhà. Khi tất cả bỏ đi, kể cả tôi thì trên nền này sẽ có một ngôi nhà mới, một chủ mới.

Anh ta đi lên, đi xuống, từ phòng khách, phòng ăn, căn bếp. Anh tự tung tự tác, cầm cái này, vứt cái kia. Cả căn nhà rối tung xoay tròn vì anh ta. Sự bất an từ nóc nhà đến nền móng nhà. Bắt đầu là cái mái rung rinh, rồi hai cái đà ngang hai bên thõng xuống không chịu nổi sự giao động. Buồng ăn, buồng khách, nhà bếp trống rỗng buồn xo vì thực phẩm không được mang vào khi có bóng anh ở đó. Hai cây cột chính chống đỡ cho ngôi nhà cũng muốn khụy xuống đầu hàng anh. Tôi bất lực nhìn ngôi nhà của mình, nhắm mắt lại, buông xuôi. Tôi chỉ biết chờ anh ra khỏi nhà.

 Hình như anh rất thích thú những lần thăm viếng, vì khi anh tới tôi chỉ biết đứng hẳn ra ngoài nhìn vào ngôi nhà của mình xem anh tự tung tự tác thế nào, tôi khó lòng can ngăn được cho dù tôi có làm đủ cách, từ đe dọa đến nuông chiều.Thời gian anh ở ít nhất từ một tuần đến mười ngày. Có năm anh đi được vài tháng bỗng đột ngột quay lại, tôi chỉ biết kêu Trời.

Người khách đó sắp xô cửa vào nhà bạn rồi đó.

tmt
viết trong những ngày bị cảm cúm
10/12/17


Saturday, October 7, 2017

Đưa Em Xuống Phố

Sáng nay đầu thu anh đưa em xuống phố/ gió xôn xao trên vòm cây, nắng ấm áp và không gian trong vắt/ mình dắt nhau trên những phố đông người/ Cái xe đi qua, cái xe dừng lại/ tiếng chào nhau khi chạm mặt bước qua/ vỉa hè có lá vàng lá nâu đuổi nhau mỗi khi gió tới/ người mù dắt con chó đứng đợi đèn xanh/ con chó nhìn ngọn đèn/ ngọn đèn nhìn con chó/ đi chậm thế nào thì gió cũng kéo đi nhanh.

Mình đi trên đường số 1/ ghé tiệm ăn gọi miếng bánh mì bẻ làm hai/ ly nước lọc/ đĩa rau xanh/ khoai chiên vàng/ màu đỏ lát cà chua/ đời giản dị như bức tranh giản dị/ Nắng rất mỏng ấm trên tóc trên vai/ tiếng ai gọi nhau vang qua con phố/ nghe như vọng từ sau khu chợ bán hoa/ mùi cà phê thơm lừng trên tay một kẻ mới đi qua / anh ta vừa đi vừa nhấp từng ngụm nhỏ/ Có tiếng đàn bật lên cùng tiếng hát của hai người du mục/ Chao ôi là mùa Thu.

Anh dắt em tới đường số 2 có ngôi giáo đường /giáo đường không có tháp chuông vì trên đó có phòng ốc cho người trú ngụ/ người trú ngụ ở đây là những người ngác ngác ngơ ngơ/ những người già có cái nhìn trẻ thơ hay trẻ thơ có nụ cười của trái táo khô/ cả nguyện đường yên lặng / Đức Mẹ đứng như đang nửa tỉnh nửa mơ/ bình hoa màu tím trong nhà thờ ai cắm đẹp như một bài thơ /Em nghe hồn thổn thức/ Giữa nhà thờ có hồ nước nhỏ/nước chẩy hiền hòa chẩy xuống chẩy lên/ chung quanh miệng hồ tay ai đã khắc xuống lời  kinh thánh/Khi con vượt biển Ta sẽ ở bên con/và qua cả những dòng sông/ không ai đàn áp được con. (*)

Anh nói cho em nghe những người sống ở trong nhà thờ là những người nghèo và yếu đuối/ Chúa thương nên Chúa dọn họ vào ở chung/ em có thấy ngoài kia, trên ghế có người nằm quấn cái chăn / hai bàn chân gầy thò ra bên dưới / anh nói, Chúa đấy/ Chúa nằm ngoài này vì Chúa nhường chỗ cho một ai đó/ em đứng nhìn người nằm quấn chăn trước cửa giáo đường/ cố tìm ra mắt ra môi cố tìm ra một điều gì liên quan đến Chúa/ nhưng em đoán là anh chỉ nói cho vui/ em lắc lắc cái đầu vì nhìn cách nào cũng không ra Chúa.
Anh chỉ xuống đôi bàn chân thò ra/ Chao ôi, em thấy rồi/ trên lưng mỗi bàn chân có vết cắt mở khá to/ em còn đang ngẩn người nhìn xuống âu lo/ bỗng một người da đen ở đâu đi qua/ anh ta vừa đi vừa vung hai bàn tay lên xuống nói mà như hát/ Chúa đấy, Chúa đấy sao không nhận ra.


 Homeless Jesus – Tượng đồng của Timothy Schmalz- Canadian Sculptor

Đây là dấu tích để người ta nhận ra Chúa/ Chúa chẳng khác gì tất cả những anh em không nhà/ cũng co ro nằm trên băng ghế ngoài công viên /một tấm chăn một hình hài ốm yếu/ chẳng có thêm tài sản nào bên cạnh /ngoài sở hữu hai bàn chân bị tàn phá bởi đóng đinh.

Ta luôn ở giữa các con/những con người nghèo khổ yếu đuối.

Hôm nay anh đưa em xuống phố/ cho em gặp mùa Thu với lá vàng rơi nghiêng trong nắng / đọc lời Chúa nhắn nhủ bên hồ nước/ thấy hoa tím trong nhà thờ thấy chiếc đàn ngoài phố/ em hân hoan nhặt được một mảnh đời giản dị của hai ta/ và em đã hạnh phúc chạm tay lên hai bàn chân thương tích của một kẻ không nhà.

Hai bàn chân đó là chân của Chúa.

tmt
Tháng 10/06/17

(*) When you pass through the waters I will be with you and through the rivers they shall not overwhelm you.   Isaiah 43:2 


Wednesday, October 4, 2017

cả hồn em chớm đỏ


Bài thơ cho ngày Trung Thu

Em mở lòng bàn tay
anh đặt vào mùa thu
bàn tay thành chiếc lá
chỉ tay nhòe sương mù

em bước đi ngập ngừng
hình như sỏi đang hát
ngón chân lắng tai nghe
đất bắt đầu hòa nhạc

ở trên núi có trăng
một mặt trăng rất lạ
như một nong tầm vàng
những lá dâu óng ả

ở dưới hồ có cá
vẩy của chúng màu hồng
từng cặp mắt màu xanh
rơi ra những viên ngọc

trong tóc em chùm lúa
đang trổ hạt đòng đòng
cổ em thơm mùi cốm
rắc xuống những trái hồng

em mở lòng bàn tay
anh hà vào hơi thở
mùa thu bay lên cây
cả hồn em chớm đỏ.

tmt
Rằm tháng Tám

Oct.4/2017

Monday, October 2, 2017

Thư gửi các bạn thời trẻ dại

Thư gửi các bạn thời trẻ dại
(Trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây II-Thị Nghè)

Các bạn rất cũ. Lâu quá không gửi thư cho nhau, có lẽ cũng do chúng mình ở xa nhau quá, tuổi mỗi ngày một nặng thêm nên lười, rồi lúc nhớ lúc quên, cứ nói sẽ viết, tiếp theo là sẽ quên. Hôm nay bỗng nhớ đến các bạn, và thấy cần phải viết để chia sẻ với các bạn một điều mà chúng ta đã và vẫn chia chung. Cả hai tuần nay từ lúc bắt đầu chiếu phim về Chiến Tranh Việt Nam trên truyền hình, tôi nhận được rất nhiều bài viết, nhiều phản ứng về bộ phim này.

Chúng mình là bạn từ thời Tiểu Học 1954, theo cha mẹ chạy Cộng Sản vào Nam. Đi ra từ chiến tranh, sống trong chiến tranh, rồi lại chạy ra khỏi chiến tranh. Chặng đường hơn 20 năm thật quá dài, nhưng khi đã hết chiến tranh (ít nhất là với chúng mình), sống rải rác trên địa cầu hơn 40 năm thanh bình, vẫn chưa thoát ra khỏi hai chữ “chiến tranh”.

Đọc những bài viết nhận định về bộ phim 10 kỳ liên tiếp này. Nhiều người phân tích rành rọt về Cộng Sản, về Quốc Gia, về Đồng Minh Mỹ rất chi tiết, rất tỉ mỉ. Dù phân tích đó rất nông cạn hay rất thuyết phục, nhưng cuối cùng còn lại hai chữ “Chiến Tranh”, dù nhìn bằng góc cạnh nào chăng nữa cũng vẫn đau lòng.
Những con số người chết cho cuộc chiến này, con số trận đánh hai bên, con số những trận bom rải thảm. Con số người chết trong “Trại Cải Tạo”, chết “Vượt Biên Giới” chết “Vượt Biển” và Đồng Minh chết cho đất nước bạn. Có cố nói thế nào, biện minh ra sao, thì cái phần đau đớn hậu quả đó không lấy bất cứ “lý lẽ” gì mà cứu vãn được. Chỉ có thể kết luận là “rùng mình”

Cái hậu chiến tranh giống như khói hun vào phổi chúng ta, không thể nào lấy ra được. Chúng ta sống với buồng phổi đó cho đến lúc chết .

Chiến tranh Nam - Bắc Việt Nam dù được suy diễn cách nào, dù đặt tên cuộc chiến là gì ta cũng thấy rõ ràng là “Huynh Đệ Tương Tàn”. Những người lính sau một trận chiến, chết nằm úp mặt, lật lên máu đỏ da vàng, nếu còn thoi thóp sẽ nói cùng ngôn ngữ với ta. Cộng Sản hay Quốc Gia lúc đó chỉ còn trơ ra một hình hài “Việt Nam” khốn khổ. Ta chỉ còn biết thốt lên:

“Trời ơi những xác thây la liệt
Con ai, chồng ai, anh em ai?” (Tô Thùy Yên)

Từ lúc nào chúng ta đã khóc cho chiến tranh và chúng ta sẽ lại phải khóc vì chiến tranh vào lúc nào nữa, trong khi thế giới càng ngày càng hoảng loạn, căng thẳng. Có thể chúng ta không còn cơ hội khóc nữa vì chúng ta đã quá già nua và sắp ra khỏi đời sống, nhưng con, cháu, chắt chúng ta liệu có bình yên mãi được không?

Tôi nhớ lại một bài Thơ khóc con của Rudyard Kipling, nhà văn, nhà Thơ người Anh nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết cho trẻ em,The Jungle Book(1894), con trai ông, Thiếu úy John Kipling của quân đội Anh đã tử trận trong Trận Loos, ở vùng Artois của Pháp trong Đệ I Thế Chiến và không tìm thấy xác. Ông không khóc riêng cho con trai mình, mà cho tất cả những người con đã hy sinh trong Đệ I Thế chiến (*)

That flesh we had nursed from the first in all cleanness was given…
To be blanched or gay-painted by fumes – to be cindered by fires –
To be senselessly tossed and retossed in stale mutilation
From crater to crater. For this we shall take expiation.
But who shall return us our children?

Da thịt con tinh khiết
Cha mẹ nuôi ấu thơ
Khói đã nhuộm xám đen
Bom đốt thành tro bụi
Xác con ném qua lại
Trên những hố những hầm
Xác con đã nổ tung
Chúng ta sẽ đền bù
Những điều đã xẩy ra
Nhưng ai sẽ trả lại
Con thân yêu cho ta (tmt dịch)

Người chồng chết, người vợ trẻ còn đàn con nhỏ để tìm niềm an ủi trong vất vả hy sinh. Người con chết, cha mẹ không tìm ra điều gì thay thế vào được.

Có người nói “Bộ phim Vietnam War chỉ cốt chống chế cho thể diện của Mỹ hơn là sự trung thực cho cuộc chiến.”

Hãy đọc một bài Thơ về sự trung thực trong cuộc chiến này của Kyle Schlicher (USMC 5/15/1968) Một người lính trong quân đội Đồng Minh Mỹ.

They Didn't Know
he lay there
under the sun
dried blood on his lips.
the heat was oppressive.
his clothes were dusty,
dark blotches on them.
i could see the ants
moving,
entering him
and
exiting him.
how i hate this place!
how i hate the people
who are responsible
for all this unbelievable madness.
how i hate myself
for volunteering to be here!
i watched the ants crawling
over the body.
i wanted to hate them too!
but
they didn't know
and
the hating
had to stop somewhere.

Chúng Chẳng Biết Gì Đâu

chàng nằm đó
dưới mặt trời
máu khô trên môi
sức nóng nung người
quần áo chàng bẩn thỉu
bầm đen từng mảng
tôi thấy những con kiến
chuyển động
chúng vào trong chàng
rồi
ra khỏi chàng
sao tôi ghét nơi này thế
sao tôi ghét mấy người này thế
mấy người có trách nhiệm
cho những điên cuồng không tưởng
sao tôi ghét cả chính tôi thế
sao lại tự nguyện tới đây
tôi nhìn những con kiến bò
qua lại trên xác chàng
tôi muốn ghét luôn chúng nữa
nhưng
chúng chẳng biết gì đâu
cái sự ghét này
phải chấm dứt ở một nơi nào đó.

Hai đoạn của hai bài thơ tiếp theo, của người lính miền Nam và một của người miền Bắc.

Hình như cây súng con lạ lắm
Sao nó run lên khi đạn lên nòng
Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
Một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không ?
Trước mặt con: những ngọn đồi cát máu
Đêm thì thầm cùng những nấm xương
Ôi, trái tim con mãi tôn thờ Má
Đã dạy con hai tiếng yêu thương.

(Nguyễn dương Quang trong bài Đêm cuối năm viết cho Má )

Buổi chiều sau chiến tranh
Ngày trở về
anh đi lệch một bên
Một ống quần
phất phơ trong gió...
Bà mẹ nghèo lẩy bẩy
Ra ngõ đón con
Con dìu mẹ, mẹ dìu con
Hai dấu chấm khép chiều nắng lửa...! (Trần Sĩ Tuấn)

Các bạn của tôi ơi! Ngày 23 tháng 10 này tôi sẽ nhận lời mời của Thư Viện Seattle đến nghe bà Lynn Novick nói về công việc làm một cuốn phim về chiến tranh thế nào. Tôi sẽ đọc một bài thơ về cảm nghĩ của mình khi xem phim về chiến tranh (Theo yêu cầu của Thư Viện). Tôi sẽ không dự buổi bình luận về cuộc chiến trong phim, đó không thuộc khả năng hiểu biết của tôi, vì ngay cả Ken Burns và Lynn Novick những người hàng đầu về làm phim chiến tranh đều thừa nhận “Cuộc chiến Việt Nam” là chủ đề khó khăn và phức tạp nhất mà họ từng thực hiện khi có quá nhiều luồng quan điểm, quá nhiều cách nhìn nhận từ các đối tượng khác nhau. Khi được hỏi vì sao lựa chiến tranh Việt Nam, mở lại những hồi ức đau thương và tranh luận cay đắng không có hồi kết, hai đạo diễn cho rằng “Việt Nam” vẫn là công việc còn dang dở của nước Mỹ. Không có ai thực sự hiểu cuộc chiến đã xảy ra thế nào và những người trải qua nó phải chịu đựng ra sao.
(Trích: Nghiencuuquocte.net)

Đến bao giờ nước Mỹ mới hết những công việc dang dở này trên thế giới?
Những người bạn thời “Tiểu Học” của tôi. Những: Nam, Giáo, Tâm, An, Hà 1, Hà 2, Bình, Hạnh, Giao ơi! Hãy yêu thương Việt Nam mình với trái tim của thời tuổi dại, hãy cố quên đi những người thân yêu trong gia đình mình, những người bạn của mình đã chết ở Bắc hay Nam, vì AK-47, vì B-40, hãy cố tha thứ và thương yêu như trong một câu Thơ của người góa phụ trẻ miền Nam đã viết:

Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương.(tmt)
Trần Mộng Tú


(*) Joshep Rudyard Kipling 1865-1936- Nobel Văn Chương 1907
9/30/2017