Monday, September 26, 2016

Sunday, September 25, 2016

Hẹn


Ta hẹn nhau như nắng hẹn gặp mưa
như gió mùa hẹn gặp khăn quàng cổ
 như chân xa hẹn gặp đôi giầy cũ
như bàn tay hẹn gặp ngón tay
 như mặt trời hẹn biển sớm mai
như cát hẹn dã tràng về xây tổ
như lục bình hẹn nhưng không trôi nữa
...
Hẹn thế nào rồi cũng lạc mất nhau.

tmt

Những Tiếng Nói Trung Thực

(Đi dự RMS của Homeless Women ‘s writings- Tháng 9/12/2016)


Họ ngồi đó

những người đàn bà không nhà
mặc trên người những chiếc áo tươm tất nhất
họ đến từ nơi tạm trú
mang theo những câu thơ

Khách mời ngồi chung quanh
nghiêng tai
tiếng thơ rơi


Từ trang sách đặt trên lòng
một người lên tiếng đọc
chị nói về tuổi thơ
về một người Bà đã khuất


Từ trang sách trên tay
người đàn bà khác nói về những con đường mình đi qua
hoang mang về con đường trước mặt 

Không cầm sách
một người còn trẻ lắm
đứng lên
vẽ một vòng tròn trên không gian
chị đọc tương lai mình vào một lớp học chị sẽ bước vào


Có chị nói về mái tóc của người mẹ
có chị nói về bàn tay người cha
có chị nói về một vầng trăng
có chị nói về một chiếc lá rơi
cả tóc mẹ
cả tay cha
cả vầng trăng và chiếc lá
không ai nói mình còn giữ được


Tôi ngồi lắng nghe bằng mắt
những người đàn bà ở độ tuổi khác nhau
giống như những chiếc lá
một vài chiếc tươi
nhiều chiếc đã sang màu
nhưng hình như tất cả nỗi buồn của họ
còn xanh mướt


Giọt thơ rơi, rơi, rơi
từng trang sách ướt.


Trần Mộng Tú Tháng 9/12-2016


Những Người Đàn Bà Không Nhà và Những Câu Thơ


(Đi dự RMS của Homeless Women ‘s writings- Tháng 9/12/2016)

Frank rủ tôi đi dự buổi Ra Mắt Sách của những phụ nữ vô gia cư, do trung tâm tạm cư Mary’s Place đỡ đầu và xuất bản cho họ.

Mary’s Place ở Seattle (Cơ quan thiện nguyện với 90% đóng góp của các công ty và tư nhân có hảo tâm và 10% của quỹ thành phố) có năm địa điểm là một cơ quan cung cấp mỗi ngày cho 250 người (mỗi địa điểm 50 người), cơm ngày ba bữa, chỗ ngủ hàng đêm. Họ là những phụ nữ, trẻ em trong tình trạng thiếu thốn, tổn thương cần được giúp đỡ. Những phụ nữ, trẻ em phải đối diện với: ly dị, bạo hành bởi người chồng, người cha; mất việc, không trả được tiền thuê nhà; thương tật, tâm thần,v.v… Những phụ nữ phần đông ở tuổi 50, nhưng đôi khi cũng có người  còn khá trẻ. Họ là những người đã phải đối diện với bạo hành và sức khỏe xuy xụp. Nơi đây ngoài cung cấp một mái nhà ấm cúng, thức ăn, áo quần, những người đàn bà kém may mắn này được trung tâm săn sóc với những điều tốt đẹp nhất. Cũng có lớp dậy đan, dậy vẽ, thủ công, dậy viết Resume để xin việc, v.v

Năm 2011 Ban Điều Hành đã nghĩ ra thêm một chương trình mới để hỗ trợ tinh thần những người này. Nhân viên của Mary’s Place đã cho thêm mục viết văn, làm thơ vào sinh hoạt hàng ngày. Những người phụ nữ được hướng dẫn, khuyến khích cầm bút viết xuống những buồn, vui, những mơ ước của mình. Viết là một giải tỏa, mình nói với chính mình. Viết về hờn giận, tủi hổ, viết về niềm vui, tiếng cười hay ngay cả viết xuống một câu

 “chửi thề” cho hả giận với đời. Đó là quyền chọn lựa của mỗi người viết. Họ muốn chia xẻ đọc những ý nghĩ của nhau, hay chỉ viết cho chính mình đọc điều được khuyến khích.

Bắt đầu ai cũng rụt rè, nhưng mỗi ngày càng nhiều người tham dự.

Và bây giờ, sau 5 năm, Mary’s Place cho xuất bản tập Thơ đầu tiên của những phụ nữ vô gia cư với tựa đề: Original Voices-Homeless and Formerly Homeless Women’s Writings.

Trang đầu cuốn sách có viết:

Cuốn sách này gửi tới tất cả những người phụ nữ ở Mary’s Place và ở cả những nơi khác, những phụ nữ không nhà hay đã từng không nhà.

Cầu cho tiếng nói của các bạn được lắng nghe và những câu chuyện của các bạn được kể lại với tình yêu và sự thành thật để kêu gọi những người khác cũng biết yêu và thành thật.

Chúng tôi ở thành phố khác, đọc báo thấy chương trình Ra Mắt Sách đặc biệt này, hai vợ chồng hân hoan lái xe (vào giờ tan sở) tìm đến Seattle Public Library-University District để tham dự.

Trong một gian phòng nhỏ của thư viện cũ kỹ giữa một khu phố không lấy gì làm làm sung túc lắm. Chúng tôi ngồi im lặng, ngắm những người phụ nữ với những tuổi tác gần như bằng nhau ở tuổi 40 đến 50, người trẻ nhất khoảng 30. Họ hiện diện đơn giản, nhưng quần áo tươm tất, mỗi người một màu, một kiểu, cái cũ, cái mới, khác nhau, nhưng những nét ẩn hiện trên mặt họ toát ra một vẻ gì đó, rất khó tả, sao lại giống nhau như chị em. Nét buồn buồn, nét thất lạc, hoang mang trên cả ngay những nụ cười. Đúng họ là chị em trong một gia đình “Vô gia cư”.  Đó là đồng phục của họ, không trên quần áo mà trên nét mặt. Hãy lắng nghe họ tâm sự thành thật:


Xin chữ ký của vài Tác Giả.

Họ đặt niềm tin vào lời cầu nguyện:

Tôi thức giấc vào lúc 3 giờ rưỡi sáng hay vào khoảng thời gian sớm như vậy không rõ nữa.

Tôi im lặng trườn ra khỏi chỗ nằm với hơi thở của 45 phụ nữ khác đang ngủ. Trong bóng tối dò dẫm, tôi biết rõ một điều, đây là lúc tới giờ tôi phải cầu nguyện (Pamela Herod)

Thơ về người ra đi để lại tài sản

Người đàn ông cho tôi một con chó
Anh ta trối trăng, thực ra là cho tôi biết đó là gia tài anh để lại cho tôi.
Anh ta tự tử rồi
Tôi phải tới chỗ giữ chó hoang để nhận con chó
Nó là một con vật giữ an ninh bảo vệ tôi
Tôi là người có lợi tức thấp
Tôi cho chó ăn Pedigree (K.O)

Họ bộc lộ sự bất mãn thẳng với đời sống:

Mẹ tôi suốt ngày say khướt, bà rất lười, sức khỏe tồi tệ, bà không làm gì cả, không chăm sóc, chẳng nấu ăn cho con. Bà có tới năm đứa con, không chồng. Chị tôi là một phó bản của bà: Vô gia cư với một đàn con.Tôi không muốn bắt chước họ có con. Nhưng biết không, điều tôi cần bây giờ là: mấy tấm vé xe bus, một vài cái quần áo tử tế, chỗ ở, để có thể xin được một việc làm nào đó và sẽ làm chủ một căn nhà của mình. ĐM…ĐM…ĐM

 (Karli)

Với một chút mơ mộng, có người cũng làm Thơ cho tình yêu nữa:
Tôi mong những vì sao nhỏ xuống
Tắm gội trên tôi
Thắp sáng hồn tôi
Và thả tôi về tự do
Tôi mong những vì sao nhỏ xuống
Và cho tôi đôi cánh
Để tôi có thể bay về nhà
Và cận kề bên gió thoảng
Tôi mong những vì sao nhỏ xuống
cho tôi trở lại bên anh (Little Bit)

Và họ cám ơn Mary’s Place đã cưu mang họ.

Lâu lắm rồi tôi không có tiếng nói
Bị giẫm nát và vỡ vụn tôi im lặng
Giống như tất cả chúng ta
Chẳng có gì là to tát
Các chị biết đấy
Trong đáy trái tim tôi
Lòng cám ơn sâu đậm (Jennifer Hamilton)
Quyển sách 131 trang gấp lại với 127 bài Thơ và văn xuôi.
Chúng tôi ra về mang theo những khuôn mặt phụ nữ với những miệng cười, khóe mắt in nét phong sương, với những câu thơ, đoản văn làm bùi ngùi người đọc.Tôi mang lòng cảm phục những phụ nữ này, cám ơn Mary’s Place đã cưu mang họ, cám ơn người đã nghĩ ra khuyến khích họ viết xuống những kinh nghiệm buồn, vui, họ đã trải nghiệm trong kiếp người.

Cuối cùng, là người cầm bút, tôi cám ơn văn chương chữ nghĩa đã vực dậy những tâm hồn khụyu ngã. Viết là sống hai lần (*)

tmt
(*) Writes live twice- Natalie Goldberg
  9-12- 2016






Sunday, September 18, 2016

THINH LẶNG


Trên kệ sách ánh sáng ngồi giấu mặt

trong tranh tĩnh vật thời gian đứng im

cả ngôi nhà tĩnh như bình mực cạn

ai gác bút nằm ngang trên trái tim.

 
tmt
8/13/2016

BÓ CHIẾU VỀ QUÊ

  

Tuổi Trẻ trên mạng ngày hôm nay mở ra có một tấm hình hai người đàn ông và một người đàn bà đang cột một món hàng dài vào chiếc xe gắn máy giữa một cái nền sân loang lổ đen, bẩn . Đọc hàng chữ bên dưới mới biết món hàng dài đó là một xác người, được gia đình quấn chăn, bó chiếu, mang về nhà sau khi chết ở Bệnh Viện Lao và Bệnh Phổi ở Sơn La.



Hình ảnh cái sân vắng ngắt bẩn thỉu chỉ có ba người quấn xác thân nhân vào xe, hai người đứng, một người ngồi lom khom bên dưới, họ đang cột cái xác sao cho an toàn trên xe, cái túi vải vứt dưới đất, tuột ra ngoài một trang giấy màu trắng, có lẽ đó là giấy xuất viện. Trên bậc thềm, góc phải, có thêm một người người đàn ông cắp tay sau lưng đứng nhìn.

Cái hình như một tấm bích chương quảng cáo hình ảnh một phim sắp được phát hành.

Đây không phải là lần thứ nhất tôi đọc được trên trang mạng chuyện bó chăn đem xác ở bệnh viện về chôn.


Hãy nhìn trên tấm hình này: một người đàn ông cô đơn trên con đường vắng ngắt bóng người. Cái ánh sáng trong hình và sự tĩnh lặng của khu phố, cho ta thấy là một sáng tinh sương. Anh chở thân nhân sau lưng, không phải là một người còn sống, ngồi, ôm qua lưng anh ấm áp, mà là một cái xác bó chiếu lạnh tanh, lòi hai cái chân ra ngoài còn mang theo đôi dép.

Có ai nhìn thấy nước mắt của người đàn ông lái xe chở xác đang dàn dụa hay không, có ai nghe thấy tiếng trái tim anh đang đập bi ai, cảm được ruột anh đang quặn lại từng cơn đau không? Có ai hiểu được cái cô đơn cùng cực của anh khi có một người thân sau lưng trong hoàn cảnh đó không? Còn cái con người bất hạnh vừa từ giã đời sống nghiệt ngã này, hồn còn lẩn khuất dưới tấm chiếu hay không? Cái hồn đó có đang cúi xuống nhìn cái thân xác đáng thương của mình, ước ao được sống lại hay không?   

 Tôi nghĩ tới một loại phim rất ngắn kể tất cả câu chuyện không quá năm phút. Phim đoạt giải về nội dung và hình ảnh.

 Bốn mươi năm hết chiến tranh rồi sao dân Việt của tôi còn có người sống khổ như thế, còn có người chết khổ như thế!

Cái lý do Bệnh Viện không có xe, không có đủ điều kiện giúp gia đình đưa xác thân nhân về được cắt nghĩa bằng cách nào chăng nữa, cũng cho ta thấy đất nước mình đang được những con người không có trái tim cai trị.

Giang sơn gấm vóc, rừng vàng biển bạc, người dân được đánh giá hạnh phúc chỉ là những sáo ngữ được thốt ra trên miệng một ai đó hay trên những khẩu hiệu giang ngang phố.

Dân tộc tôi còn bị lừa dối đến bao giờ?

tmt
(*) Hai tấm hình và Tin trên Tuổi Trẻ online

Tháng 9/16/2016

Saturday, September 10, 2016

Thursday, September 8, 2016

Đoản Khúc Thu

bàn tay của cây phong
đã bắt đầu chạm
trên thân thể mùa thu


gió đang thuyết giảng về mùa thu
những con ve bịt tai
chỉ có hàng cây nghiêng ngả


những viên sỏi già nua
lắng nghe tiếng khóc trẻ thơ
của con suối tái sinh

hai bàn chân thức dậy
thì thầm trong chăn
mùa thu tới


sáng nay mưa
mặt trời rũ những sợi tóc lấp lánh
rơi trên vai núi


người đàn bà trước gương
nhặt được vết chân chim
mùa thu trên đuôi mắt.



tmt
tháng 9/6/2016



CÙNG NHÌN VỀ MỘT PHÍA.


Chúng tôi được mời đi dự đám cưới của Nathan, một người bạn từ thời Tiểu Học của Hưng, con trai út chúng tôi. Nathan là bạn rất thân của Hưng, hồi nhỏ hay đến nhà tôi chơi thường xuyên. Đến tuổi trưởng thành, hai anh chàng chia tay nhau mỗi người đi kiếm tương lai một ngả, nhưng họ vẫn liên lạc với nhau, rồi cũng có thời gian họ chia chung nhà. Năm nay cả hai ngoài ba mươi, Hưng vẫn độc thân, Nathan lấy vợ trước, Hưng làm phù rể.

Đám cưới tổ chức tại một công viên vùng Maple Valley rất đẹp, cách nhà tôi khoảng 40 phút lái xe. Công viên được bao bọc bởi một hồ nước thiên nhiên nhỏ, có bãi cỏ xanh mướt, phi lao, tùng, bách và những bụi hoa hoang dại. Nhà tiếp tân xây ngay trước mặt hồ, một cái cổng hoa đã được dựng giữa sân cỏ, đối diện với hồ, nơi sẽ khai mạc hôn lễ. Có những cánh chim màu sắc rất đẹp, thỉnh thoảng bay ra từ những bụi cây bên kia hồ đậu trên cổng hoa rồi lại bay đi, tạo nên một hình ảnh thần tiên như trong những trang sách thiếu nhi.

Nghi lễ hôn phối bắt đầu, người cử hành là chị của chú rể, cô Anna đi lên cùng bố, (người mẹ đả mất hai năm nay) Cô mặc một cái váy hoa đỏ, khuôn mặt giản dị, không phấn sáp, cô không phải là một nữ tu hay mục sư, cô chỉ là một người có chứng chỉ online (lấy trên mạng) được phép làm hôn lễ.

Cô mở đầu bằng những câu hỏi thông thường, tôi vẫn nghe ở các đám cưới như: Có ai cản trở cuộc hôn nhân này không? Có yêu nhau và chăm sóc nhau suốt đời lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau? Có ở với nhau suốt đời dù giầu hay nghèo? Cô vừa hỏi vừa cười. Tôi chứng kiến hôn lễ mà có cảm tưởng như đang nhìn mấy đứa trẻ con chơi trò vợ chồng, chỉ khác là thay vì hai cái nhẫn kết bằng cỏ thì hai cái nhẫn bằng vàng.
 Lễ hôn phối cử hành trong vòng không quá hai mươi phút. Sau đó thì vào trong nhập tiệc. Cũng nhạc, cũng đàn, rượu mở, thức ăn mang ra và những lời chúc tụng. Cô dâu chú rể khiêu vũ, đi từng bàn cám ơn khách dự và bạn bè. Tiệc cưới giản dị ấm áp. Nathan trông rất hạnh phúc bên cạnh cô dâu. Hai người đã làm bạn với nhau hơn sáu năm và đã dọn vào ở chung hai năm trước khi quyết định lấy nhau.
Trong một lúc gặp mặt nhau cạnh quầy rượu, Anna ôm lấy tôi, cám ơn đã đến dự, cám ơn đã yêu quý Nathan trong bao nhiêu năm nay. Một thiếu nữ khuôn mặt trái soan, cắt tóc ngắn, chải ngược ra đằng sau, mặc sơ mi kẻ xọc, chiếc quần tây ống hẹp màu đen đi tới. Tôi nhớ, tôi có gặp thiếu này trong đám tang của mẹ Nathan và Anna.

 Anna niềm nở cầm tay tôi, giới thiệu:

 Cháu quên chưa giới thiệu bác: Đây là Tracy, chồng của cháu.
Và đây là bác Trần, mẹ của Hưng.

Tracy đưa tay ra trước, bắt tay tôi, vồn vã:
 Chào Bác, con trai bác là một thanh niên tuyệt vời, anh ấy giúp đỡ Nathan nhiều lắm, anh ấy cho chúng cháu rất nhiều hỗ trợ tinh thần. Nathan và Hưng là hai người bạn rất thân và chúng cháu may mắn được làm bạn của anh ấy.

Tôi cũng vui vẻ cám ơn lời cô khen con trai mình và lịch sự nói, Hưng cũng rất may có Nathan là bạn thân.

Tôi nhìn thiếu nữ trước mặt mình, cô chẳng có biểu hiện gì trên nét mặt chúng tỏ một người có nam tính, ngoài mái tóc ngắn, bộ quần áo kiểu đàn ông trên người. Những đường nét trên mặt cô thanh tú hài hòa. Chân mày thanh mảnh, hai mắt sáng, cặp môi đều đặn, da ngà. Nếu bây giờ cô mặc một chiếc áo đầm chắc cũng chẳng kém phần quyến rũ.

Tôi khẽ liếc xuống ngực cô sau lớp áo sơ mi vải dầy. Ngực cô hơi mỏng.
Tôi đoán trong lồng ngực đó, Tracy chắc chắn phải có một trái tim rất lạ.
Anna nữa, một cô gái hành xử và suy nghĩ khác người và họ đã tìm đến nhau như tất cả các cặp hôn nhân khác phái.

Tôi ra về, tiếng nhạc, tiếng cười của tiệc cưới theo tận vào xe. Tôi cầu chúc cho mọi cuộc hôn đều tốt đẹp. Những cuộc hôn nhân dù đồng phái, hay khác phái, họ cùng nhau nhìn về một phía cho đến cuối đời.

tmt
Tháng 9/3/2016  

Monday, September 5, 2016

Đưa Cháu Ngày Khai Trường






 Bà đưa cháu đi học vào Lớp Mẫu Giáo . 
Hôm nay là ngày khai trường của Oliver, cháu ngoại của bà.

Bà cúi xuống hôn thằng bé lên năm
Nói với cháu ngày đầu tiên đi học
Ngoan nhé con đôi mắt xanh trong vắt
Bà động lòng nhớ mắt mẹ con xưa
Mấy chục năm trời sáng nắng chiều mưa
Bà đếm đời mình qua những cổng trường trước mặt
Những sáng đầu thu mùi cỏ thơm mặt đất
Nhìn mẹ con Bà nhớ quãng đời mình
Sách vở tuổi đời theo gió cuốn qua nhanh
Những thành phố những con đường mất dấu

Khi thả rơi tiếng cười khi nhặt lên tiếng khóc
Những dòng sông thầm lặng xẻ chia
Những ngọn núi cong mình còn đứng nơi kia
Đã làm chứng ngày đầu tiên Bà đến tựa

Ngày nào đó lớn lên con sẽ hiểu những người xa xứ
Cuộc đời buồn vui dẫu có kết thúc thế nào
Mỗi khi kỷ niệm chạy về lòng vẫn hư hao
Như vết thương xưa bỗng một hôm ửng đỏ

Đưa cháu đến trường lòng Bà như trẻ lại
Bà đứng đây như thấy suốt con đường
Những con đường yêu dấu ở quê hương
Những ngôi trường những mùa thu những ngày nhập học

Bà đứng đây gió về trong tóc
Giơ tay gầy vuốt xuống vốc thời gian

Ngoan nhé con yêu bạn trọng thầy
Ép cho chặt tuổi mình trong sách học
Trường học trường đời thênh thang trước mặt
Bàn chân son con bước giữa bình minh.
        
Tháng 8/30/2016