Tuesday, March 29, 2016

HAI CON VỊT MANG MÙA XUÂN ĐẾN


Hai con vịt bay vào vườn sáng sớm nay
bốn bàn chân mang mùa xuân về trên cỏ
cỏ còn non mới nhú màu xanh
đất chớm thơm như thịt da thiếu nữ

hai con vịt đủng đỉnh đi bên nhau kéo bầu trời xuống thấp
con trống quàng khăn xanh hai vạt áo pha vừa nâu vừa hồng
nó còn làm dáng đội mũ có vệt màu đỏ lên đầu
con mái rất khiêm tốn mặc chiếc áo nâu
không thoa son đánh phấn chỉ tròn xoe đôi mắt biếc
lạ lắm, con trai làm dáng hơn con gái
nhưng cả hai mang mùa xuân tới
cây hoa trà trong vườn ra đón ơi ới gọi chúng vào
Trời cong mình kéo mây cùng sà xuống chơi
 tíu tít tiếng chim ca mùa xuân mùa xuân ơi!

em không còn tuổi xuân cũng thấy hồn chín đỏ
áo không xanh thì em mặc áo nâu vàng
khăn không hồng em chọn màu lam
hài không tía thì em đi giầy vải
mùa xuân đến bình yên trên từng viên sỏi
em cầm những câu thơ
rắc xuống khu vườn thơm ngát
em cầm nắm tuổi mình
thả theo cánh gió bạt ngàn
nắng nhẩy múa trên tóc em ánh bạc

Anh ở xa có nghe mùa xuân đang hát.


Mùa xuân 2016 ở Seattle

HƯƠNG XƯA


Saturday, March 26, 2016

Lời Nguyện

 
 
Thư gửi Cha Tom khả kính,

Con đọc nhưng dòng chữ này trên MIRROR News:
Fears are growing for a priest believed to have been kidnapped by ISIS as sickening reports suggest he may be crucified on Good Friday. 
Father Tom Uzhunnalil was seized when four armed militants stormed an old people's home in Aden in Yemen on March 4, killing 16)

Con không biết hiện giờ Cha ở đâu, Cha còn sống trong trốn tránh, sợ hãi, Cha còn sống trong sự tra tấn thân xác mỗi ngày, hay Cha đang ngồi đợi trong bình tĩnh một cái chết tràn đầy thống khổ sẽ tới.

Con nhận được trên màn hình trắng vô cảm này những dòng chữ gửi đến từ bạn hữu, mọi người kêu gọi nhau cầu nguyện cho Cha. Con rùng mình khi nghe những tiên đoán về cực hình Cha sẽ phải chịu trong ngày Thứ sáu Tuần Thánh, ngày Chúa chịu đóng đinh trên thập giá. Họ nói, quỷ dữ sẽ mang Cha treo trên thập giá như ngày trước Chúa đã chịu khổ nạn cuối cùng với sự đóng đinh thân xác vào thập giá và Chúa đã trút hơi thở cuốicùng cũng trên thập giá đó.

Hôm nay con cũng nhận được bao nhiêu thư các bạn gửi hình ảnh về việc làm của Đức Giáo Hoàng.

Ở một góc tù giam tăm tối nào đó, Cha có biết không?

Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh vừa qua (3/24/16) Đức Thánh Cha Phanxicô, thay vì tới những nhà tù và Trung Tâm Khuyết Tật như những năm trước, ngài đã tới một trung tâm đón tiếp người xin cư trú ở Castelnuovo di Porto, cách La Mã 9 cây số.
Cùng với 900 di dân và hơn 100 người tình nguyện, Ngài đã cử hành nghi thức Tiệc Ly tại đây.
Hầu hết di dân là người Hồi giáo, còn trong số Kitô hữu, là người Copt và Tin Lành cũng chiếm số nhiều.
Trong thánh lễ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã rửa chân cho 11 di dân (4 là thanh niên Công giáo từ Nigeria, 3 là phụ nữ tín hữu Copt từ Eritrea, 3 là người Hồi giáo, và một là người Hindu từ Ấn Độ) cùng một tình nguyện viên (*).

Cha có thể tưởng tượng ra bao nhiêu dòng lệ đã lăn xuống trên khuôn mặt những người được Thánh Cha cúi xuống kính cẩn rửa chân và hôn chân họ.

Con gửi cho Cha những tin tức này để an ủi Cha đang trong cơn tuyệt vọng nhưng cũng để tự giúp con không quá sợ hãi, thất vọng trước những cái xấu cái ác của đồng loại. Cho chính con thêm niềm tin vào tình thương, và  tính thiện của loài người vẫn còn.

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta là người Hồi giáo, Ấn giáo, Công giáo, Copt, phái Phúc âm, nhưng đều là anh chị em. Con cái của cùng một Thiên Chúa mong muốn sống trong hòa bình, chung hợp.”

Đôi khi con tự hỏi: nếu loài người ngưng sản xuất vũ khí giết người đi thì số người bị chết bất đắc đó có bớt đi không? Chiến tranh có ngưng xẩy ra ở các quốc gia? Con người sẽ được sống trong an bình, bớt lo sợ hơn. Máu sẽ không chẩy trong quán cà phê, trong rạp hát, trên bến xe, trong phi trường. Nơi trườrhọc trẻ em sẽ không có giây phút hoảng sợ ảnh hưởng suốt thời thơ dại. Không có  người cha, người mẹ, sáng ra đi và chiều không bao giờ trở về nữa.
Mọi người không cần phải yêu nhau thắm thiết, nhưng cần có tình thương xót. Có những loài thú không biết thương xót chỉ có khả năng sinh tồn. Nhưng cũng có lloài thú thể hiện tình xót thương hơn cả loài người. 

Cha Tom khả kính. Con thật không biết nói thế nào, nói lời nào để chia xẻ cùng Cha cây thập giá Cha có thể sẽ phải đóng đinh vào ngày Thứ sáu Tuần Thánh này mặc dù trong lòng con có ngàn giọt lệ âm thầm đang nhỏ xuống.

Hình ảnh Chúa đóng đinh trên thập giá để cứu chuộc tội lỗi loài người. Chính có Chúa chết trên đó mà từ cây thập giá bằng gỗ tầm thường đó đã trở thành “Thánh Giá”.
Nếu vì sự ác độc và tội lỗi của một số con người nào đó trên mặt đất này mà Cha bị treo trên thập giá, con tin chắc rằng đó là “Thánh Giá” Chúa trao tặng cho Cha.

Con gửi lên Chúa lời nguyện từ trái tim con:

Xin cho Cha đủ đức tin, nghị lực để vác Thánh Giá này và Phục Sinh cùng Chúa.


Mùa Phục Sinh 2016
(*) Trích trong: Sứ Điệp Chúa Đến.

Sunday, March 20, 2016

Một Giải Mây Mới







Khứ tự triêu vân vô mịch xứ (Bạch Cư Dị)

Viết gửi chị Đào Thị Hợi, hiền thê anh Nguyễn Ngọc Bích.


Anh nhúc nhích người trên ghế, quay sang vợ, muốn nói một câu. Anh không nhớ rõ là mình đã nói xong câu đó chưa, thì một đám mây từ bên ngoài cuồn cuộn luồn qua khe cửa sổ máy bay, len vào. Khi đến gần anh, đám mây tung ra như một tấm chăn rộng, cuốn lấy anh. Anh thấy mình ấm áp, nhẹ tênh và chẳng khác gì con tằm nằm trong kén. Anh xoay nhẹ người một cái, chiếc kén mây đã mang hẳn anh ra ngoài máy bay, thả anh giữa bầu trời bềnh bồng, mênh mông, xanh biếc.


Anh nghe tiếng vợ gọi rối rít: Anh ơi! Anh ơi! Và nhiều tiếng nữa theo sau, nhưng rồi tất cả chỉ còn lại những âm vang u u trong thinh không. Anh cứ thế bay, bay lâu lắm, cái kén mây vẫn ôm chặt thân thể anh. Đi đâu bây giờ nhỉ? Anh cũng không biết nữa. Thậm chí anh không nhớ thêm được điều gì trước đó nữa. Anh nhắm mắt lại hay mở mắt ra cũng thế thôi.


Trong chiếc kén mây này, tất cả như không màu, ngoại trừ bầu trời xanh biếc ngoài kia đang bao bọc chung quanh anh. Anh nhớ đến những phi vụ của các phi hành gia, anh có đi tới chỗ của họ không? Có trở về cùng với họ không? Hình như không thì phải. Anh chẳng nhìn thấy ai mặc những bộ quần áo cồng kềnh với những trang bị để thở cả.


Có một đám người ở đâu đi tới như đón anh, nhưng anh nhìn họ không rõ nét, chỉ thấy quần áo họ như mây tụ lại tan đi, nên họ lúc vắng, lúc đông.


Anh vươn vai một cái, chui đầu ra khỏi cái kén, bây giờ anh cũng giống họ. Nhẹ tênh và bồng bềnh. 


Anh bất giác giơ tay đặt lên ngực mình. Ô hay, tại sao tim mình không đập? Anh đưa tay lên ngang mũi, không một hơi thở nào đi vào đi ra nữa. Anh cúi nhìn xuống thật sâu, và thật gần chung quanh mình. Anh không nhìn thấy gì ngoài hai bàn chân, hai bàn tay mình, trống không.


Anh đã bỏ lại tất cả: Vợ, anh em, bạn hữu, những việc làm chung, riêng. Có thật anh bỏ lại không? Hay anh trả lại. Có cái gì thuộc về anh đâu. Anh chẳng sở hữu một điều gì, một vật gì cả.


Anh có nhớ ngàn ngàn trang giấy, anh có nhớ ngàn ngàn dòng chữ. Nhưng anh không nhớ được những dòng chữ trên những trang giấy đó đã chứa đựng những gì.


Bây giờ anh là mây hay là giấy, là gió hay là đất, anh thực sự không biết nữa!


Có một giải mây rất mới bắt đầu uốn lượn trên bầu trời.


Chị đứng đó chơ vơ, chiếc áo quan màu trắng, vòng hoa mầu trắng, chị ngơ ngác trong căn buồng xa lạ, ở một thành phố xa lạ, đất nước xa lạ.


Tai chị nghe tiếng nói mơ hồ nào đó của anh, lúc thật gần, lúc thật xa. Có phải anh đang gọi chị, hay là chính chị đang gọi anh. Người ta bầy vội vã một cái bàn thờ, để bức ảnh của anh lên đó, bức ảnh có mái tóc trắng xóa, trắng như chiếc áo quan ở góc kia, nơi có người bạn trẻ đứng canh giấc ngủ cho anh.


Ngủ một giấc dài cho khỏe đi anh, rồi sáng mai thức dậy cùng ngày mới. Mọi người đang chờ anh, anh có rất nhiều việc để làm, nhớ không?                 




Linh cữu GS Nguyễn Ngọc Bích và hiền thê. Đứng bên trái là Trịnh Hội.

(Hình chụp tại Philippines)                       


Chị vẫn đang nói một mình, chị nói một mình từ lúc anh theo đám mây trôi qua khung cửa máy bay.


Anh đã được trở về thành phố nơi anh chị cư ngụ. Ở đó người thân mang anh đặt vào một chiếc giường gỗ mới, đẹp hơn, và để ở một chỗ không phải là nhà mình, cho thân bằng quyến thuộc nhìn ngắm lần chót.


Anh bay lơ lửng chung quanh cái không gian chật hẹp này. Cái không gian mượn tạm của rất nhiều thân xác.


Thân xác anh nằm trong bốn bức vách chật hẹp nhìn ra, mọi người đang xếp hàng di chuyển chung quanh cái hình hài vô tri đó. Người ta tới ngắm nghía anh, nói thầm một điều gì đó với anh trong ngực họ, họ đi qua anh mà không biết anh đang đi qua họ.


Người ta tới khá đông, anh cúi xuống thấm những giọt nước mắt đang đầm đìa trên khuôn mặt chị, hít hà hương thơm của những cây nhang nghi ngút khói, chạm tay vào những bông hoa mọi người mang tới tặng cho mình lần cuối. Chao ôi! Sao nhiều hoa thế, trước kia anh chưa hề được tặng hoa nhiều như thế này. Hóa ra người ta thường tặng hoa thật nhiều cho nhau khi người được tặng không còn khả năng thưởng thức, lạ nhỉ!


Anh nghe tiếng tụng niệm, anh nghe lời phân ưu, tiếng mõ, tiếng kinh, tất cả những tiếng động nho nhỏ đó, đối với anh đều mang âm điệu của gió. Đến, ngưng lại, rồi bay đi.


Tình yêu, hương, hoa và nước mắt ơi! Hãy bay đi, bay đi, bay đi, cùng với giải mây này.


Chị hỏi đi hỏi lại, tại sao anh đi nhanh như thế?


Anh đi nhanh như thế vì mây cuốn anh đi và anh đã chập vào những đám mây bên ngoài kia, trong bầu trời kia, thành một giải mây mới.


Những giải mây bay bao giờ cũng đẹp. Vì nơi nó về là vô định.


(Khứ tự triêu vân vô mịch xứ)


Thôi, chị đừng hỏi nữa, mỗi khi nhớ tới anh, chị hãy chạy ra sân, kéo xuống, ôm vào lòng mình một giải mây mới nhất. 



3/17/2016

Cơn Mưa Trưa


Trưa nay một cơn mưa ập tới
mưa như trút xuống những giấc mơ
quê nhà ngày trước mưa như thế
 bong bóng phập phồng trôi tuổi thơ

nhớ con thuyền giấy tay ai thả
chẳng biết bây giờ trôi phương nao
bọt nước tan con thuyền mất hút
bao năm rồi mắt vẫn dõi theo

em đứng dán mặt vào khung kính
nhìn trời ngã xuống vũng mưa trưa
khóm hoa trà đỏ giơ tay vuốt
khuôn mặt hoa nhòe đi trong mưa

mưa ở trên trời rơi xuống đất
mưa vẫn mưa hoài đông sang tây
mưa theo em đi xa đi mãi
giọt lạ giọt quen thấm vai gầy

 anh ạ quê nhà mưa tháng sáu
tháng sáu anh còn đứng đó không
bong bóng vỡ tan theo tuổi trẻ
trong mắt em còn vệt cầu vồng.

 3/1/2016