Thursday, July 30, 2015

BẢO VẬT ĐỂ LẠI

Mùa hè, giữa những chùm hoa nắng lung linh, giữa những trái táo chín đỏ, trái cam ngọt lừ, giữa tiếng ong vo ve, tiếng chim ríu rít, tiếng lao xao rất nhẹ của cánh bướm muôn màu, có người kể tôi nghe một câu chuyện:

Một tai nạn giao thông xảy ra, người đàn ông qua đời ở tuổi bốn mươi. Lục phủ, ngũ tạng anh không hề tổn thương, nhưng bộ não bị chấn thương mạnh đã đưa anh tới cái chết.

Người mẹ già, ôm thân thể bất động của người con trai duy nhất, không khóc được nữa. Bà như đang chết cùng với con, con bà tách khỏi đời sống bà từng mảnh, từng mảnh. Anh đã hiến tặng tất cả nội tạng của anh cho những người đang cần để nối tiếp cuộc sống của họ.


Bà biết hai lá phổi của con đã đặt vào một lồng ngực con của người khác. Bà nghe thêm: trái tim cũng đã mang đi, đập thổn thức trong một khung ngực lạ. Rồi hai quả thận, nhiều người đang xếp hàng, nó sẽ làm công việc thật tốt đẹp cho một người phải ra vào bệnh viện thường xuyên trong cả mấy năm nay để lọc máu. Nó rất hữu ích và hiền lành. Lá gan của con bà có hai thùy, thì một thùy đã được mang thay thế cho người có một bên gan hư hại. Bây giờ còn lại một thùy gan, chắc chỉ nay mai sẽ có người tới nhận.

Đôi mắt là phần cuối cùng cũng sẽ được cho đi. Chao ôi! Đôi mắt của con bà, đôi mắt biết cười, đôi mắt cười trước khi môi nhếch lên. Bà yêu đôi mắt đó vô cùng. Đôi mắt từ tuổi thơ ngây cho đến lúc trưởng thành lúc nào cũng cười với bà, làm sao bà không tiếc. Người ta nói với bà là đôi mắt cũng đã được xếp đặt để mang đi, trong một sớm mai, có một người con của ai đó sẽ được hưởng đôi mắt của con bà. Không, bà không muốn, bà nhất định không muốn cho đôi mắt đó.

Nhưng chao ôi! Dù không cho đi bà cũng làm sao mà giữ lại. Đôi mắt đó sẽ thành tro ngay lập tức nếu bà hỏa thiêu thân xác con, hay đôi mắt đó sẽ mục nát trong lòng đất nếu bà chôn con xuống đất. Hình như có một vòng tay của ai đó đang ôm đầu bà vào lòng vỗ về: “Đôi mắt biết cười của con sẽ lại tiếp tục cười trên một khuôn mặt khác. Cho đi, cho đi mẹ ơi!”

Mai đây, trong những ngày tháng còn lại của đời người có khi nào bà mẹ này bâng khuâng tự hỏi: “Tim, phổi của con tôi, đôi mắt của con tôi hiện đang ở trong thân thể ai, hiện đang ở đâu trên mặt đất này?” Rồi bà ngơ ngác đi tìm, đi nhìn vào từng lồng ngực, từng cặp mắt của mỗi người trên quãng đường bà qua.

 Mùa thu với lá phong đỏ, với sóc nâu, với hạt bồ đào, với cá Hồi đang từ biển tìm về dòng suối cũ để sinh nở, sinh xong cá mẹ sẽ lìa đời. Giữa sự hồi sinh và hy vọng có người kể tôi nghe một câu chuyện khác về cái chết, về tình mẫu tử, về sự trao tặng nội tạng.

 Người con trai 19 tuổi, trong một phút bất mãn với cuộc đời, anh tự hủy mạng sống mình. Sau cái chết đó anh cũng để lại nội tạng của mình cho những người không may mắn. Người mẹ chỉ giữ được hũ tro của phần thân thể con còn lại. Biết con khi còn sống ôm mộng được du lịch vòng quanh thế giới. Ba năm sau cái chết đau thương đó, người mẹ đã tìm cách liên lạc được với những người trên mạng xã hội nhờ họ mang tro của anh đi rải bất cứ nơi nào trên thế giới. Khi có một người bằng lòng, bà lấy một phần tro, cho vào một cái túi nhỏ, kèm theo một lá thư và bức ảnh của anh gửi tới họ. Thân xác tro bụi của anh đã được mang rải vào lãnh thổ của 100 quốc gia trên thế giới. (*)

Người mẹ đó tin rằng, làm như thế, anh sẽ được di du lịch khắp thế giới như khi còn sống anh từng mong ước.

 Nghĩ xa thêm một chút thì chắc bà sẽ thấy: Thân thể của anh phải chăng chỉ là một cái hộp vô tri, dùng để cất giữ những nội tạng của anh mà thôi. Những nội tạng này đã hiến dâng cho người khác, đang mang sự sống mới đến cho người khác, mới là những bảo vật quý giá nhất. Những người được nhận các bảo vật này, họ chắc không bao giờ quên người đã hiến tặng.

 Mùa xuân vào tuần lễ có rất nhiều hoa đào nở hai bên đường, có áo len mỏng đi trong gió, có những buổi sáng lất phất mưa xuân tạt ở hiên nhà, tạt cả vào những ly cà phê còn bốc khói, có những buổi chiều mưa rắc nhẹ trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng, tôi cũng được nghe những câu chuyện xúc động của cha mẹ sẵn sàng cho đi nội tạng của đứa con bất hạnh còn rất bé của mình cho đứa bé khác. Có khác chi mẹ nói: “Chia cho em đi con, món đồ chơi này con không còn chơi nữa, chia cho bạn đi con.” Phải là người có trái tim bao dung nhân hậu lắm, thương yêu con người như con mình, mới làm được những việc cao cả đó.

Rồi cả bốn mùa tôi được nghe những câu chuyện người này được lắp bàn tay, người kia được thay bàn chân. Giống như những phép lạ trong truyện cổ tích, có bà tiên cầm chiếc gậy thần, quơ lên một cái, cho người sắp chết được sống, người tàn tật trở thành bình thường.

Thế rồi, xuân tàn, hạ qua, thu chết, đông ngưng, nhưng dòng đời vẫn chảy, sinh tử vẫn nối tiếp theo nhau. Tôi lại được nghe, một nhân viên làm việc trong cơ quan phụ trách phân phối nội tạng đã nói với đôi mắt rớm lệ:

Cái xác người nằm đó, hiến tặng nội tạng của họ cho những người đang cần. Cho dù khi sống họ có làm điều gì nhầm lẫn tới đâu, tôi cũng chắc Thượng Đế sẽ tha thứ hết cho họ.”

Thượng Đế tha hết những lỗi lầm thế gian của người hiến tặng nội tạng và những người nhận tặng vật mang mãi cái ơn trong lòng họ đi suốt đời người.


Có bao giờ người ta nghĩ tới, ở mỗi nghĩa trang, nên dựng một tấm bia ghi ơn cho những người hiến dâng nội tạng. Vì chắc chắn trong bất cứ nghĩa trang nào cũng có những cái hộp thân thể đã chôn xuống đất, nhưng những bảo vật trong đó đã để lại dương trần cho người khác thừa hưởng, một người họ chưa gặp bao giờ.

Tháng 7/29/2015

 (*) Nguồn trên mạng

Saturday, July 25, 2015

TẤM HÌNH Ở GÓC NHÀ

Tấm hình treo ở góc nhà, nếu bước từ ngoài vào phòng khách thì không thấy được.

Tôi cầm ly bia chủ nhà mời đi từ bàn ăn ra sofa ngồi, vô tình ngước nhìn góc tường ở đầu ghế, mắt đập ngay vào tấm hình. Một tấm hình không lớn lắm, chỉ bằng khổ của một tấm bưu thiếp, lộng trong một cái khung đơn sơ, chẳng có gì đặc biệt, nhưng không hiểu tại sao khi thấy nó, tôi phải đứng lên, bước ra khỏi ghế, tới gần để nhìn cho rõ hơn người trong hình.
 
Đó là một phụ nữ khoảng gần bốn mươi (có thể là lớn hơn) tóc cắt ngắn, kiểu con trai, áo trắng sát nách, khuôn mặt góc cạnh, đứng nghiêng, một tay chống vào cằm như đang nghĩ một điều gì nghiêm túc lắm. Thân hình thẳng thắn của cô song song với góc cạnh của bức tường bên trái, xa xa phía bên phải có một lối vào không rõ lắm và cái bóng của một người đàn ông cũng mờ mờ nhân ảnh. 

Chính sự mơ hồ của cái bóng đàn ông này, làm nổi bật cái vẻ tự tin cứng cỏi của nét mặt người phụ nữ trong hình.Hai con mắt như đang đăm đăm nhìn một cái gì rất rõ rệt mà lại như nhìn vào một khoảng không. Khuôn mặt thoáng một vẻ hoang mang nhưng cái bàn tay chống vào cằm để nâng khuôn mặt lên thì lại rất vững chãi, tự chủ.
 
Người trong hình là phụ nữ, nhưng lại không mang cái vẻ mềm mại của một phụ nữ, nó ẩn giấu trong đó một tâm hồn rất cứng cỏi.Tấm hình trong góc nhà như bật ra khỏi tường, ngồi vào ghế bên cạnh tôi.
-    Chị ăn no chưa, em có tàu hũ nước đường tráng miệng nữa, vải và chôm chôm cũng ngọt lắm!
-    Cái hình ai chụp cho em mà đẹp quá!

Câu trả lời của tôi chẳng dính dáng gì tới các món tráng miệng. Cô cười, thay cho trả lời, nhìn lên tấm hình như nhìn một người khác.
Người phụ nữ này lạ lắm, cô nói năng nhỏ nhẹ, hồn hậu, nhưng cô lại hành xử nam tính rất mạnh trong đời sống. Cô luôn thích những cái mới lạ và cô có một việc làm đủ lợi tức để phục vụ những nhu cầu của mình. Thay đổi đồ đạc trong nhà bất cứ lúc nào cô thích, cô luôn lái xe hơi đẹp. Chưa có hiệu xe hơi nào mà cô không thử qua, cô tiêu tiền dễ dàng như cô kiếm tiền. Tính khí đàn ông trong cô rất mạnh, nên cô né đám đông đàn ông. Họ không thể nào hiểu được cô, cô không thể nào yêu được họ.

Cô có hạnh phúc không? Tôi nghĩ là có, cô có nhiều bạn gái, cô yêu bạn gái nhỏ bé, dịu dàng cho cô được vòng tay che chở. Cô yêu nét đẹp của phái nữ, họ làm cô rung động từng tế bào trong người. Ở ngoài kia, người ta đang vỗ tay hoan hô một đạo luật nâng cao quyền tự do kết hôn cho người đồng phái tính.

Có cần thiết không nhỉ? Tại sao phải ký vào tờ giấy mới chứng minh lòng chung thủy, trong khi người ta có thể xé tờ giấy đó rất dễ dàng. (Những người khác phái tính biết điều này rõ hơn ai hết.)
Cô mỉm cười, việc gì phải đòi hỏi những cái luật linh tinh đó, chỉ làm cuộc đời thêm rắc rối. Bao nhiêu năm nay, những cặp yêu nhau đồng tính đâu có cần đến sự chấp thuận của ai. Họ yêu là họ yêu, thế thôi. Thiên hạ phản đối cứ phản đối. Những người đồng tính như cô rất tự lập trong đời sống vật chất. Họ chỉ cần nương dựa vào nhau cái tình cảm mà người đời thường dị ứng.

Chao ơi, dị ứng thì làm sao mà tránh hết được! Có đứa bé vừa sanh ra đã dị ứng với sữa bò, phải uống sữa dê. Có đứa trẻ lên ba mới khám phá ra dị ứng với đậu phọng, với mật ong với trứng gà. Có người lớn tuổi mới biết mình dị ứng với phấn hoa với bột mì. Mỗi khi ăn uống phải thận trọng hỏi từng món, mỗi khi đi tới đâu phải tránh cây cỏ, lá hoa.

Và con người đôi khi dị ứng với người khác phái của mình, thử đủ mọi cách cũng không chấp nhận được nhau. Thật là tội nhiệp cho cả hai!

Nhìn bức ảnh trên tường, nhìn cô đi qua đi lại cầm lon bia mời các bạn, tôi nhớ đến bản tin của trang mạng CÔNG GIÁO. Info tường thuật lại lời của vị lãnh đạo Thiên Chúa giáo-Vatican, cách đây hai năm (2013): Một ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Rôma từ Đại hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro, một sự kiện mà hàng triệu thanh niên tụ tập trên bãi biển Copacabana để tham dự Thánh Lễ và cầu nguyện, tin tức hàng đầu từ các hãng tin thế tục trên thế giới đăng ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô bên cạnh tiêu đề: "Tôi là ai mà dám phê phán người đồng tính?" Câu nói như một danh ngôn thay cho bài diễn văn dài mấy chục ngàn chữ.

Tôi đứng lên, lại gần tấm hình treo trong góc tường lần nữa, ngắm nghía. Hình đẹp quá! Bức hình như muốn nói: Bạn không cần là tôi hay giống tôi nhưng xin đừng phán xét và chống đối tôi.

Liệu tôi có cần phân biệt phái tính của người trong hình không?

Chắc là không.

07/25/2015

Tuesday, July 21, 2015

GIỌT LỆ GIỌT MƯA

















Ở đây mưa cả mười hai tháng
nên đọng trong hồn vũng nhớ nhau
em về ngực lạnh hai vai ướt
lau hộ cho em ngọn tóc sầu
 
xa quá làm sao mà lau được
hay em đặt tóc giữa trang thơ
gửi anh một sợi dài mong nhớ
gửi cả vào thơ những giọt mưa
 
giọt lệ giọt mưa cùng lấp lánh
khác nhau mặn ngọt ở trên môi
thôi mở bàn tay cho em khóc
cho em hôn đường chỉ rối bời. 

Cánh Cửa của Trái Tim



Trái tim của em tôi
bỗng mở toang

có một cái cửa
cánh xiêu vẹo
bản lề rơi ra
có vết nứt
có chỗ sờn thớ gỗ

Mấy ông thợ xúm vào
người sơn
kẻ vá
bít kẽ hở lại
bớt chỗ này thêm chỗ kia
nối ngắn cắt dài

xong việc
đóng lại

Bây giờ tôi mới biết

trái tim có cửa
nó mở ra
nó khép lại

khi nó mở ra nó làm cả cái hộp thân thể rung chuyển
nó cắt nước
nó cúp điện

không điện không nước
thân thể sẽ trở thành một cái hộp đen khô queo

những đồ đạc trong đó bỗng trở thành vô dụng
không dùng được nữa

Trái tim thật sự có một cái cửa

trước đây tôi tưởng chỉ có một con đường
vì thường nghe nói
đường đi vào trái tim

bây giờ mới biết
thân thể mình chỉ là một cái hộp hình chữ nhật
cái hộp giấu những gì trong đó
chỉ có trái tim biết được
vì trái tim có cửa

và lúc nào cánh cửa 
cũng phải đóng lại
giữ những điều bí mật
cho cái hộp thân thể

nếu vì bất cứ lý do nào
cánh cửa đó bật ra

mình nhìn thấy tất cả điều giấu kín trong đó
cái hộp sẽ trở thành vô dụng

vĩnh viễn

Đóng lại cánh cửa
đóng lại ngay
thật chặt.

(Cô em bị mổ tim, tháng 7/13/2015)

7/17/2015

Monday, July 13, 2015

MÙI CỪU

 Nơi chúng tôi tới, không phải là một bãi đất trống mà là một con đường rộng và vắng nằm sát bìa rừng, xe cộ có thể đi qua để đi vào phía trong rừng.
 
Đó là nơi tạm trú của những người “Vô Gia Cư”. Đi tới đâu, dựng lều tới đó nên họ có một cái tên cho nhóm là Tent City.  Nhóm người vô gia cư này có khoảng trên dưới 100 người, họ di động từ địa điểm này tới địa điểm khác, mỗi nơi họ ở lại từ ba tới bốn tháng. Đa phần những chỗ họ tới cắm lều là trái phép, không có giấy phép của thành phố. Họ chính là những người vô gia cư thực thụ vì họ không có một shelter nào nhất định.
Thành phố Bellevue, nơi chúng tôi cư ngụ, có một vài nhà thờ, sân cỏ rộng, sẵn sàng cho họ cắm lều vài tháng, nhưng dân chúng trong thành phố phản đối. Họ sợ có những phần tử xấu trong nhóm người này, ảnh hưởng không tốt đến con cái họ. Những người vô gia cư này, cũng có một người đứng lên làm trưởng nhóm. Họ từ lứa tuổi ba mươi (30) tới ngoài bảy mươi (70). Mỗi người mang trên mình một câu chuyện. Câu chuyện dài như một trường thiên tiều thuyết hay như một truyện ngắn, có khi là truyện cực ngắn như một tia chớp. Tạm gọi đời họ là truyện Chớp.
 
Một người đàn ông khoảng sáu mươi, tới nói cho tôi biết ông ta có ở Việt Nam hơn hai năm, hỏi ở thành phố nào, ông trả lời: Đã đi khắp nơi và ông không nhớ ở những nơi nào. Theo lời của một người trong nhóm, ông này không ở trong quân đội và làm cho tình báo, đã từng bay qua Lào. Có thể ông ta làm việc cho CIA trên các chuyến bay không có dấu hiệu, nếu có rơi thì cũng không có chứng cớ là của ai. Những chuyến bay này có thể đã thả biệt kích ra Bắc, hay dọc Trường Sơn phía Lào và Cao Mên, và nhất là thả đồ tiếp tế lương thực vũ khí cho du kích Hmong ở Thượng Lào, để chống sự xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt. Những máy bay này thường xuất phát từ các phi trường bí mật, vì thế ông ta không nhớ rõ rệt tên các nơi. Một con người có dĩ vãng như vậy mà cuối đời rơi vào bãi đậu này, thật đáng buồn. Vì sao ra nông nỗi này thì tôi chưa biết.
Cuộc đời của người đàn ông này nghe như câu hát trong bài Một Cõi Đi Về của Trịnh Công Sơn.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì


Tôi Ở Đâu Mà Tôi Tới Đây
Cả tuần, trước khi mang thức ăn cho một bữa chiều, chúng tôi đã đến trước xem qua tình trạng sinh hoạt của họ. Vì không có đủ lều để ngủ, nên hôm đông, hôm vắng. Họ đi tản mác khắp nơi để tìm chỗ ngủ. Chúng tôi được biết là sẽ có 50 người ăn và họ cần có thêm lều. Chúng tôi mang đến tặng 4 cái lều mới và một bữa ăn cho 60 người. Năm mươi người không nhà và chín người có nhà, là chúng tôi. Chúng tôi sẽ cùng ăn ngồi, hay ăn đứng với họ. 


Sửa Soạn Chia Xẻ Bữa Ăn Chiều
Buổi chiều cuối tuần của ngày mùa hạ, nhiệt độ đã xuống khoảng 70.F. Thỉnh thoảng có một cơn gió nhẹ từ bìa rừng đưa ra. Chúng tôi ngửi được mùi cây trong lá, mùi hơi người đứng cạnh nhau trong đám đông, mùi hơi hướm du mục trong những gói to đựng chăn gối, quần áo của người không nhà vứt lăn lóc trong một góc cỏ dại bên đường và mùi của những căn hộp vệ sinh lưu động. Chúng tôi nghe được tiếng của một cái máy phát điện nhỏ chạy, tiếng của cái vòi nước lưu động, tiếng của máy phát thanh, có cả một cái truyền hình ai đó cho họ. Và những tiếng thân thiện nhất là tiếng nói chuyện của người không nhà và khách thăm.

Phải tới tận nơi, nắm bàn tay họ, nhìn vào mắt họ, chuyện trò với họ và ngửi mùi lang thang trên thân thể họ mới cảm được hết cái thân phận mong manh của những con người kém may mắn. Họ cũng có một người đứng ra làm trưởng nhóm, họ cũng có những cặp tình nhân, những cặp vợ chồng. Họ có cả người đàn ông luống tuổi, mắt kém, răng rụng hết, râu tóc trắng phau rối bù vào nhau như chính đời mình, Họ có phụ nữ còn xinh đẹp tuổi ngoài ba mươi ngồi viết tên những người trong nhóm mỗi ngày. Đây là một xã hội nhỏ, lang thang trong một xã hội rộng lớn.

Nếu chưa tới Tent City, sẽ không thể nào hiểu được, ngay bên cạnh mình vẫn có những người đi hoài không có chỗ nghỉ chân.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi 
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt 
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt 
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về. 
(TCS)

Mỗi lần đến với những người vô gia cư ở các địa điểm khác nhau. Nơi thì là shelter có chỗ ngủ qua đêm, có nhà tắm, có bữa điểm tâm cho sáng hôm sau. Nơi thì được những giáo đường của các tôn giáo khác nhau mở cửa ra nuôi họ trong ba tháng, cho họ đi tìm việc làm, nơi thì chỉ là mảnh đất cắm lều với tất cả thiếu thốn cho một gia đình hay một người già như Tent City, tôi liên tưởng đến lời nói của Giáo Hoàng Francis. “Cho cừu ăn chưa đủ, ta phải tới hòa mình vào đàn cừu có nghĩa là trên thân thể ta cũng có cái mùi cừu và ta ngửi được mùi của chúng”.
Chúng tôi đã mang thức ăn cho họ, mang lều cho họ, chuyện trò hòa đồng với họ và đã ngửi được cái mùi lang thang trên thân thể họ.

Trao Tặng Lều
Họ nhận bốn cái lều trong tay chúng tôi, cảm động lắm. Họ dặn dò, khi nào họ có chỗ mới chắc chắn, họ sẽ báo cho biết để chúng tôi tới cùng cầu nguyện và chúc phúc cho mấy cái lều mới này. (Họ phải dời nơi này vào ngày mai)
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà. (TCS)
Những con cừu không có chuồng để về lại tiếp tục lang thang trên những cánh đồng cỏ, mùi cừu bay bay trong nắng sớm mưa chiều.

Tháng 7/10/2015

Tuesday, July 7, 2015

BÀN TAY MỚI



Tôi sinh ra trong một gia đình lao động ở một tỉnh nhỏ. Cha tôi là một thợ mộc rất khéo tay, ông được thuê mỗi khi thành phố cần một món đồ gỗ trưng bày ở các công viên, hay các cửa tiệm tư nhân cần làm đẹp cho mặt tiền. Ông đóng được cả giường tủ theo đơn đặt hàng riêng của khách hàng. Bất cứ việc gì liên quan đến gỗ, ông cũng làm tuyệt đẹp.

Năm tôi mười hai tuổi cha tôi muốn truyền nghề cho tôi, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn lớn lên thành một người thợ mộc. Ngay từ nhỏ, tôi đã muốn trở thành một người chơi dương cầm giỏi như bà Sơ ở nhà thờ. Cha tôi nói , nhà đông con, ông không có khả năng tài chánh để cho tôi học một cái nghề phù phiếm đó. Chơi dương cầm không thể kiếm sống được, chưa kể là liệu tôi có khả năng xuất sắc hay không.

Mặc dù không vui, tôi cũng miễn cưỡng đứng học, khi cha tôi trạm trổ những con gấu, con hổ vào những thân cây to cho những công viên thành phố. Mới đầu tôi làm thợ phụ cho cha tôi sai vặt, rồi dần dần cha dậy tôi trạm những cái cành, cái lá nhỏ dưới chân con vật, dậy tôi đóng những góc giường, góc tủ. Tôi học khá nhanh, chăm chỉ và bắt đầu thấy yêu nghề. Cũng có người thuê tôi làm những món đồ chơi nho nhỏ bằng gỗ cho trẻ con. Nhưng thành thật nói, tôi không được khéo bằng cha tôi, dù bấy giờ thị giác của cha tôi kém nhiều. Nhưng những vết cắt của ông vẫn ngọt ngào, những cái đinh ông đóng xuống vẫn rất thẳng, và nhất là ông chọn gỗ cho từng vật dụng vẫn rất chính xác.

Nhưng thời gian thay đổi được mọi việc trong đời. Tôi lớn dần và cha tôi già đi. Tôi bắt đầu thay thế cha tôi. Cha tôi trong những năm cuối đời, ông chỉ đi nhận việc, định giá cho tôi.

Rồi một mùa đông cha tôi mất đi. Người trong tỉnh mỗi khi có việc mộc cần làm, họ gọi tôi là Little Joe, để thay cho (và nhớ đến) cha tôi là Big Joe. Họ nhận thấy, bây giờ tôi đã hoàn toàn thay thế được cha tôi.

Năm đó tôi ba mươi tuổi, bằng cái tuổi khi cha tôi nổi tiếng. Tôi đã vào được địa vị của cha tôi lúc đó: “Một người thợ mộc khéo nhất tỉnh”, thì một tai nạn xẩy đến.

Trang nhất của tờ báo địa phương Helena-Montana vừa đăng một tin gây xúc động và sửng sốt trong cộng đồng:

 Người thợ mộc xuất sắc của chúng ta: Little Joe, sau ba năm bị tai nạn cưa máy cắt đứt bàn tay phải đã được ráp tay mới ngày hôm qua.

 Sau 14 tiếng giải phẫu của 20 bác sĩ. Các bác sĩ đã phải ghép 2 xương, 23 dây chằng, 2 động mạch, 4 mạch máu và ít nhất 3 dây thần kinh. (*)

Sau sáu tháng được hướng dẫn bởi một chuyên viên về vật lý trị liệu (Therapist) bàn tay được ráp của tôi đã làm việc bình thường. Những ngón tay đã không còn một trở ngại nào khi tôi nhặt, nắm, cầm lên, bỏ xuống một vật gì. Tôi bắt đầu trở lại công việc của người thợ mộc. Người ta lại gõ cửa nhà tôi đến đặt bàn, ghế. Nhiều nhất là trạm trổ súc vật trên những khúc cây để trưng bầy, đồ chơi với những hình xúc vật cho trẻ em, là sở trường của tôi.

Tôi mang những miếng gỗ ra, bắt đầu làm việc. Bàn tay mới của tôi cầm lên, bỏ xuống rất dễ dàng. Nhưng khi tôi bắt đầu uốn lượn khúc gỗ để làm một góc cạnh đẹp thì bàn tay bắt đầu có phản ứng, hình như những ngón tay, dao bào và khúc gỗ không cộng tác với nhau. Những ngón tay cưỡng lại khi tiếng búa chạm vào con dao, khi con dao chạm vào miếng gỗ vang lên. Tôi không thể trạm khắc tỉ mỉ hay làm những góc cạnh gì vào gỗ được. Tất cả, tôi chỉ có thể cầm gỗ lên, đưa vào cưa máy, cắt thành khúc.

Tôi hoàn toàn thất vọng, phải tạm ngưng nhận đặt hàng, báo cho các khách hàng biết là tôi chưa sẵn sàng.

Tôi đóng cửa, nhốt mình trong gian nhà kho, cả ngày tập trạm và đục lên gỗ như cách đây hơn hai mươi năm trước cha tôi bắt đầu dậy bảo tôi. Cái đầu và bàn tay phải của tôi luôn luôn không hợp tác với nhau. Những ngón tay của tôi khi chạm vào gỗ không có búa và đục nó rất mềm mại, tôi có thể lướt trên mặt gỗ như người ta chơi đàn. Nhưng khi tôi cầm búa, cầm đục, chạm vào gỗ thì những ngón tay cứng đơ ra làm rơi đồ nghề xuống đất.

Sự thất bại này kéo dài cả tuần, rồi cả tháng. Tôi mất hết kiên nhẫn. Có những đêm, tôi thức dậy trong bóng tối, tay trái sờ soạng, cầm sang tay phải của mình. Chao ôi! Một bàn tay rất mềm mại, ấm áp. Tôi hỏi nho nhỏ: Sao không chịu hợp tác với tôi? Bàn tay rung nhẹ lên, rồi lại im lặng, mềm mại, ấm áp. Tôi thấy nước mắt mình rơi trên lưng bàn tay vừa thân thiện vừa xa lạ đó.

Tôi liên lạc với bênh viện, nơi tôi được ráp tay, liên lạc với cơ quan cung cấp nội tạng, ngoại tạng. Khó khăn lắm! Theo luật, người ta không cho tôi biết tiểu sử của người qua đời đã hiến tặng. Nhưng với tất cả cố gắng, cuối cùng tôi chỉ được biết một điều. Bàn tay tôi nhận được là của một Dương Cầm Thủ.

Chao ôi! Sao tôi nỡ bắt những ngón tay đặt trên phím ngà kia đi cầm búa, cầm đục. Sao tôi nỡ thay tiếng nhạc thánh thót bằng tiếng kim loại đập vào nhau của búa và đục.

Trước cửa nhà Little Joe, một tấm bảng được treo lên: “Kể từ hôm nay, tôi không nhận đặt hàng nữa.”

Nghe nói, Little Joe bắt đầu đi học dương cầm.


7/7/2015
(*) Sáng tác lấy ý từ chuyện thật của: Emily Fennell mất bàn tay phải trong tai nạn xe hơi năm 2006. Được ráp tay mới năm 2011. Emily bắt đầu đi Tour thuyết trình về bàn tay mình vào tháng 6/2015.