Wednesday, February 25, 2015

Tiếng chim chào mào buổi sáng



Mỗi buổi sáng ban mai vừa hé, chim chào mào cất tiếng hát đầu tiên, nó đánh thức chim sáo, chim sậy, chim chích, chim sẻ, chim khuyên, nó là loài chim thức hát suốt đêm. Con sậy và con chim chích dù chia nhau mùa hạ mùa xuân rõ ràng để dậy, cũng bị chào mào đánh lừa kéo vào bốn mùa cùng cất tiếng ca.

 Con chào mào như một tình nhân đang yêu say đắm, ánh sáng mờ mờ của ánh đèn đêm nó ngỡ bình minh, nó cất tiếng hát gọi chim bạn dậy, dậy dậy đi cất tiếng vang ca và cứ thế nó bay trong ánh sáng, như người đang yêu ca ngợi ái tình.

Chim chào mào không có ban đêm, nếu ngọn đèn đường không tắt, ánh sáng của tia chớp nó cũng choàng tiếng hát, cơn địa chấn ban đêm nó cũng nghển cổ ca vang, một cơn gió bay qua ngọn cây nó đậu, tiếng du dương trong cổ nó trào ra. Nó dắt tất cả con sáo con sậy vào ban đồng tấu, có khác gì kẻ đang yêu muốn cả thế giới cùng yêu, ngay cả ngọn lửa của chiến tranh bắn ra, chim chào mào cũng cất cao tiếng hát. Ngay cả giữa đạn bom có người vẫn yêu nhau.
  
Những loài chim hát trong ánh sáng ban mai, chúng gọi nhau dậy cùng với mặt trời, dậy dậy đi ta nhìn đã tỏ, những con côn trùng trên bàn tiệc đất trời. Chúng chia nhau ai dậy sớm mùa xuân, ai dậy trưa mùa hạ, nhưng chào mào luôn luôn gửi thông điệp ánh sáng cho các loài chim, nó mù quáng với ánh sáng thật và giả, giữa bình minh với ngọn đèn đêm, giống như người đang yêu vừa đi trong đêm vừa hát, thấy mình đi trong ánh sáng bình minh và muốn mọi người hãy yêu như chim yêu ánh sáng.

Ôi tình nhân và những con chào mào, ánh sáng bình minh mờ mờ và ánh đèn vàng le lói, trái tim chân tình và trái tim giả dối, muôn đời trộn lẫn trong nhau.

Chim chào mào có thật bị ánh đèn đường lừa gạt nó hay nó giả vờ tin ánh đèn đường là ánh sáng bình minh. Có phải hai ta đang nhẩy múa với ánh sáng ái tình, hay đó chỉ là ánh sáng của chim chào mào buổi tối.

Tình yêu hai ta phải chăng là tiếng hát của chim chào mào, cất tiếng hát đầu tiên và tiếng hát cuối cùng trong bài ca tình ái.

Khai bút mồng 5 tết Ất Mùi (2/23/2015)


Robins are insectivorous birds that are well adapted to foraging in dim light, and even continue to feed under artificial light well into the night. It is one of the earliest birds to start the dawn chorus and one of the last to stop singing at night.

(Wikipedia)

Chiều 30 quét lá

















Chiều ba mươi quét lá
những chiếc lá khô cong
nằm ôm năm tháng cạn
hoang mang với gió đông

Nhát chổi cao rồi thấp
cây bút lòng bàn tay
gom làm sao cho hết
lao xao của tháng ngày

Lá ơi lá cứ rụng
chổi ơi chổi cứ xoay
gió ơi gió cứ thổi
tình ơi tình cứ bay

Nhát chổi ngang rồi dọc
như nét bút giữa sân
hạt bụi nào vướng lại
giọt mưa nào bâng khuâng

Lá rụng để lá rụng
tình rơi buông tình rơi
chổi ơi thôi đừng quét
thõng tay với cuộc chơi

nhát chổi thay nét bút
đăm đắm chiều ba mươi
vạch một đường hư ảo
giữa thơ và đất trời

Chiều 30 Giáp Ngọ

Thursday, February 12, 2015

HÔN NHÂN



 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
(Theo ý On Marriage của Kahlil Gibran)
 
Hãy yêu nhau hôm nay và mãi mãi
nhưng chúng ta sẽ không trói buộc nhau
tình như gió nhởn nhơ ca hát
giữa khoảng cách hai ta
không một vướng mắc nào
 
Ta sẽ rót cho nhau đầy chén rượu
nhưng này em ta chẳng uống chung ly
mỗi giọt rượu một hương thơm riêng biệt
mỗi chiếc ly riêng ánh pha lê
 
Anh sẽ sẻ cho em chén cơm anh có
em đơm cho đầy vào bát của anh
nhưng ta sẽ chẳng cùng ăn chung bát
một bát cho em một bát cho anh
 
Như bản nhạc cùng rung lên bài hát
mỗi nốt đàn có một tiết tấu riêng
nốt thấp nốt cao từng phần âm điệu
như tính tình anh và hạnh kiểm em
 
Như cây cột trong nhà thờ riêng rẽ
đứng cách nhau cả một bức tường
mỗi chiếc cột có riêng một góc
vẫn chung vai giữ vững giáo đường
 
Anh sẽ là cây tùng cho em là liễu
mình mọc cạnh nhau nhưng không lấn sang nhau
trong một chỗ riêng tư ta càng gần gũi
không lấy bóng mình mà che mất đời nhau
 
Cho nhau trái tim nhưng đừng cất giữ
đừng biến nhau thành sở hữu riêng tư
hồn là bờ bãi tình yêu là biển 
hãy để biển luân lưu hạnh phúc giữa hai bờ.

 
On Marriage
 Kahlil Gibran
 
You were born together, and together you shall be forevermore.
You shall be together when the white wings of death scatter your days.
Ay, you shall be together even in the silent memory of God.
But let there be spaces in your togetherness,
And let the winds of the heavens dance between you.
 
Love one another, but make not a bond of love:
Let it rather be a moving sea between the shores of your souls.
Fill each other's cup but drink not from one cup.
Give one another of your bread but eat not from the same loaf
Sing and dance together and be joyous, but let each one of you be alone,
Even as the strings of a lute are alone though they quiver with the same music.
 
Give your hearts, but not into each other's keeping.
For only the hand of Life can contain your hearts.
And stand together yet not too near together:
For the pillars of the temple stand apart,
And the oak tree and the cypress grow not in each other's shadow

Mùa xuân và linh hồn mới


Tuổi của đôi ta mùa xuân này cộng lại sẽ dài hơn cả trăm năm. Thời gian như một cuộn len đan, mỗi ngày tháo ra từng đoạn.

Hơn một trăm năm, hơn một thế kỷ dài nghe thật xa xăm, núi làm gì để cứu được những mảnh đời mình xụp lở.

Sông chẩy về đâu sao hơn trăm năm còn bỡ ngỡ. Bờ bên này vẫn gọi mãi bến bên kia.

 Biển đã chia mấy nhánh đời mình, sóng cuồng nộ hay sóng lặng thinh. Thời gian vẫn cuồn cuộn chảy.

Những con đường nằm im nghe gọi mới tên mình mỗi lần gió đổi. Mà gió thì đổi rất tình cờ.

Hơn trăm năm bao nhiêu đời cây ngã xuống, thân bị mang đi mất hút ở phương nào, hay mục sâu trong đất, những chiếc nấm nằm dưới gốc cây ngơ ngác không còn chỗ gối đầu.

Con chim nào cúi xuống thật sâu tìm mãi quả trứng đầu tiên thất lạc. Con hổ nào quẩn quanh đánh hơi vào tiền sử cố tìm ra chiếc hang xưa.

Hơn trăm năm đôi chân mỏi của hai ta có rủ nhau tìm về nhà cũ. Sợi tóc mai dài ngắn có thất lạc nhau để lan huệ vì đâu héo úa.

Gió thổi mặt trời rụng xuống phương nào, những vì sao rơi trên đỉnh đồi tuyết trắng. Cây huệ Phục Sinh thản nhiên nở hoa trên cánh đồng tắt nắng, chiếc áo nó đang mặc lấp lóa ánh trăng.

Trên vai hai ta đã sờn sợi chỉ trăm năm, em cất tiếng kêu thảng thốt. Thượng Đế đi qua không ngoái đầu nhìn lại.

Này anh, dẫu tuổi mình cộng lại dài hơn thế kỷ và đôi ta giờ như trang cổ tích, đêm đêm mở ra ru giấc ngủ trẻ thơ. Cuộn len thời gian có thể hết bất ngờ khi chiếc áo chưa xong và mùa đông đã tới.

Trên sườn núi tuyết đã bắt đầu tan và mùa Xuân đang tìm cách trở về gõ cửa.

Mở cửa ra anh, hai bàn tay nắm, chúng ta cùng đi về phía mùa Xuân, mình phà cho nhau một linh hồn mới.

Xuân Ất Mùi-2015

Sunday, February 8, 2015

BỨC TRANH TĨNH VẬT

Ngày 13, tháng 6 của năm 1975, Chị và bố mẹ rời trại Pendleton theo người bảo trợ cũng là người bạn trong giới truyền thông Mỹ từ hồi còn ở Việt Nam, đến thành phố Encino, California. Khi chị rời trại ngày thứ sáu 13, mấy người bạn cùng lều bảo chẳng nên ra trại vào ngày này, không tốt đâu. Nhưng người bảo trợ nói, chị có cha mẹ già, không nên ở lâu trong trại, ban đêm lạnh, không tốt cho sức khỏe hai cụ. Cá nhân chị thì chẳng còn tin vào may rủi gì nữa. Cả một cái tháng tư năm nay, ngày nào không là ngày xấu đối với cả triệu người dân miền Nam.  

Tạm trú nhà bạn được hai tuần, chị tìm được việc làm ngay, nhờ vợ bạn là người Nhật, giới thiệu chị đến phỏng vấn trong một ngân hàng Nhật. Có lẽ thứ sáu,13 lại là ngày may của chị (đành phải tin vào vận may vậy) nên chị được chọn vào làm Bank Teller, là một, trong ba người cùng tới xin việc hôm đó.

Chị rời nhà bảo trợ ở Encino, thuê được căn chúng cư, một phòng ngủ, có sẵn đồ đạc ở cách nơi chị làm có ba ngã tư, ngân hàng Mitsui Bank trong World Trade Center, Los Angeles.
Mỗi ngày, chị đi bộ đến sở làm. Tính từ ngày rời Việt Nam 21 tháng 4, tới Mỹ chưa được hơn hai tháng, không có xe, bằng lái xe cũng chưa có, đi bộ là giải pháp đúng và hay nhất.

Dọn mấy cái bao quần áo của ba người vào nhà, rồi mới bắt đầu đi mua những dụng cụ nhà bếp ở Garage Sale, Goodwill; chăn gối ở K-mart. Căn chúng cư có hai phòng. Một phòng ngủ duy nhất nhường cho ba mẹ, một phòng nữa vừa là phòng khách, phòng ăn liền với bếp. Chiếc sofa dài kê sát ở góc tường, ban ngày là nơi tiếp khách (nếu có khách), ban đêm là giường ngủ của chị. Lúc đó còn trẻ, dễ ngủ, lại biết cái thân phận di tản nên tự cho thế là may mắn lắm rồi.

Nơi cư ngụ tạm yên ổn, chỗ làm tốt, công việc một phát ngân viên trong ngân hàng chỉ cần cẩn thận và nghe chỉ dẫn của xếp. Với số lương $520 Mỹ kim một tháng, chị coi như mình đã may mắn hội nhập nhanh hơn một số người thân.

Một buổi tối cuối tuần, chị dọp dẹp nhà cửa, nhìn lên tường thấy trống quá, chị tự nhủ, sáng mai sau khi đi nhà thờ, mình nên đi tìm mua một tấm tranh treo trên tường. Chưa biết là loại tranh nào, nhưng ít ra cũng phải làm cho bức tường ở giữa phòng ấm áp một chút chứ.

Chị đi loanh quanh Garage Sale, Goodwill, và mấy cái tiệm tàng tàng rẻ tiền, chẳng tìm ra bức tranh nào ưng ý. Mấy cái tranh in phong cảnh bãi biển, hay thành phố, hoa lá, trông tất cả đều vô hồn làm sao! Chị cứ cầm lên, bỏ xuống, cuối cùng về tay không. Chị đi hai ba lần cuối tuần như thế, cũng chẳng được bức nào thích mà vừa túi tiền. Túi tiền của chị lúc đó hạn chế lắm. Cuối cùng chị quyết định. Tại sao mình không tự vẽ một bức tranh nhỉ? Ở Việt Nam chị có vào trường Mỹ Thuật Gia Định học vẽ một thời gian mà.

Chị đi làm, hỏi đồng nghiệp mua dụng cụ vẽ ở đâu? Và chị chọn vẽ mầu nước thay vì sơn dầu cho rẻ hơn.Vẽ chì than trông buồn lắm, mà không phải họa sĩ thứ thiệt dễ trông thấy cái vụng. Chị thuộc loại “Họa sĩ vụng”. Cuối cùng chị mua giấy và một số mầu nước về. Chị bắt đầu vẽ một bức tranh tĩnh vật:

Chị không ngờ bức tranh tĩnh vật chị bắt đầu năm 1975, chị tiếp tục vẽ đến bây giờ, bức tranh vẫn dở dang. Chắc nó không bao giờ hoàn thành.

Khi chị dựng cái giá vẽ lên, chị phân vân không biết nên bắt đầu vẽ cái gì vào đó. Quả táo, ổ bánh mì, chai rượu, bình hoa là những thứ họa sĩ hay cho vào tranh tĩnh vật. Với chị, những thứ ấy chẳng nói lên được cái gì thuộc về đời sống của chị.

 Chị nghĩ mình nên vẽ vào đây những gì mình đem theo ở quê nhà, nhờ bức tranh giữ cho chị. Kẻo thời gian và đời sống của một người di tản rất dễ làm mất đi những gì thuộc về quá khứ. Làm sao chị biết cuộc đời sẽ thổi chị đi tới đâu nữa, sau khi cơn giông bão hãi hùng đó đã cuốn chị trôi xa ngàn vạn dặm.

Trong cái túi di tản, khi hấp tấp ra đi, chị mang theo chẳng nhiều gì, nhưng chị cũng phải lựa ra. Cái túi đó có: Một chiếc áo dài nội hóa, một cây son môi, cuốn Kiều, cuốn Chinh Phụ Ngâm,ba bộ quần áo thay đổi hàng ngày và ba trăm Mỹ kim (vẫn để dành, chưa tiêu đến đồng nào) ít đồng bạc Việt Nam còn sót lại.

 Năm 1975 chị vẽ vào trong tranh: Cây son màu Terra Cotta (màu hồng đất). Chị nhớ cây son này anh ấy mua cho chị vào một ngày gần Tết, trong Passage Eden, lúc đó hai người mới đính hôn. Chị đã mặc chiếc áo dài màu cam nhạt, thoa son màu hồng đất cùng anh đi chúc Tết, đi chơi với bạn hữu của hai gia đình. Chị nhớ lại, mỗi lần nhìn màu son trên môi, chị thấy nó đẹp như mối tình của hai người: cái màu hồng của cánh hoa pha mầu nâu của đất, thật nhẹ nhàng nhưng sao vẫn nồng nàn quá đỗi.

 Chị vẽ thêm cuốn Kiều, cuốn Chinh Phụ Ngâm và vạt áo dài mầu cam nhạt. Bức tranh treo trên tường năm đó, nền trắng với một vệt son môi nằm bên hai cuốn sách màu nâu nhàn nhạt, có vạt áo dài màu cam ngọt ngào vắt ngang.

Thời gian trôi như mộng, chảy một giòng sông đời. (*) Năm này sang tháng khác. Chị làm lại đời mình. Sinh con, nuôi con, chăm nom cha mẹ già, rồi cha mẹ mất đi.

Chị vẽ thêm hai cây thập giá vào bức tranh tĩnh vật.

Đời sống quanh chị với bao nhiêu là tiếng động. Có những tiếng kêu vang vọng đến từ quê nhà xa ngút ngàn. Có tiếng kêu âm ỉ trong lồng ngực chị. Chị không biết vẽ tiếng động như thế nào, chị vẩy vào tranh những giọt mầu đỏ, những giọt màu tím than.

Con cái dọn ra khỏi nhà như chim vỗ cánh ra giàng. Rồi con gái chị thành người mẹ, con trai chị thành người cha. Soi gương thấy mình tóc trắng. Chị vẽ vào bức tranh tĩnh vật một dòng sông màu lục và những sợi tóc màu xám tro.

Bức tranh theo chị từ thành phố này qua thành phố khác, từ ngôi nhà này sang ngôi nhà kia. Mỗi nơi chị thêm vào một chút, lá cờ quốc gia trong tranh của chị cũng đứng im như gió đứng. Mỗi lần nhìn vào, chị như muốn mang hết hơi của mình thổi vào nó, cho nó tung bay. Lá cờ không nhúc nhích, nước mắt chị lại trào ra.

 Bức tranh im lặng, nhưng vùng biển quê hương chị thì sóng đang gào, những tiếng gào trong họng biển, chị vụng về không diễn tả nổi. Chị quẹt trong tranh một mảng xanh đen loang lổ, đến bất tận.

Chị muốn vẽ về người dân Việt ở quê nhà, nhưng trí tưởng tượng của chị nghèo nàn quá, chị không biết dùng mảng màu nào để vẽ xuống những thăng trầm, những nghịch lý, những tương phản đang diễn ra nơi đó. Chị vẽ xuống một vòng tròn không màu.

Bức tranh toàn những mảng màu câm.

Tết âm lịch lại về, tháng 4 rồi lại đến.

Bốn mươi năm bức tranh tĩnh vật vẫn chưa hoàn thành. Chị nhìn bức tranh treo trên tường tự hỏi: Khi nào mình sẽ ở trong bức tranh này? Chị cầm chiếc cọ loay hoay không biết, nếu vẽ, thì mình đặt mình vào đâu? Ở trên cùng bức tranh nhìn xuống, hay ở dưới bức tranh nhìn lên. Mình sẽ đứng trên một ngọn đồi đầy gió ở quê người hay mình sẽ ngồi bên một bãi biển, sóng êm, gió lặng ở quê nhà, hay mình sẽ im lìm như cây thập giá cạnh mẹ cha.

Bức tranh tĩnh vật không trả lời chị. Chị nhìn con số 1975 trên góc bức tranh. Chị ngửi thấy thoang thoảng trong không gian mùi hương trên bàn thờ của ngày 30 tết.

Chao ôi, đã bốn mươi năm rồi. Chị đứng lên đi mở tất cả cánh cửa trong nhà cho gió lùa vào.

 Ước gì gió thổi tất cả những gì chị vẽ trong tranh bay đi, bay đi.

Ước gì gió đưa chị về lại nơi chốn thân yêu của bốn mươi năm ngày xưa đó, và mọi sự ở nơi đó vẫn đứng lại như trong một bức tranh tĩnh vật, đợi chị về.

Em ước tuổi mình như pháo đỏ
Người quên chưa đốt lúc xuân về (*)

Tết Ất Mùi-2015
(*) Thơ tmt


Tuesday, February 3, 2015

Tôm Càng Kho ~ 02-03-2015


Những Tờ Lịch Cũ



       Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa (Thanh Nam)
 
Khi còn ở quê nhà, mỗi năm tôi đều mua một cuốn lịch để bàn, loại lịch xé mỗi ngày một tờ, không chỉ mua riêng cho tôi mà còn cho tất cả các bàn làm việc trong hãng Thông Tấn AP. Tờ lịch xé ra ghim vào một miếng gỗ có cái cây sắt nhọn để ngay bên cạnh cuốn lịch.

 Hết năm, những ký giả theo truyền thống của Mỹ, thích đứng ở cửa sổ văn phòng, từ từng lầu thứ tư của Building Eden vào đúng ngày 30 cuối năm dương lịch, thi nhau thả những tờ giấy ghi ngày tháng cũ bay như bươm bướm xuống mặt đường. Tôi rất thích truyền thống này. Bao giờ tôi cũng đợi làm người sau cùng thả xuống, để không phải tranh chỗ với ai. Tôi thích nhìn tháng ngày của tôi bay xuống riêng một mình, không lẫn vào tháng ngày của người khác.

Có tờ bay thật là xa, nếu gặp gió có thể bay qua tới rạp Rex bên kia, cách cả hai con đường và cái công viên nhỏ ở giữa; có nhiều tờ vướng lại trên những cành me, của cây me bên dưới cửa sổ; có tờ đáp trên nóc một chiếc taxi đang đậu gần đó, hoặc rơi ngay vào lòng một chiếc xích-lô vừa tấp vào lề; có tờ rơi vào những gánh hàng rong đi ngang hay rơi trên vai một người vừa đi tới, như bướm đậu rất tình cờ. Khi tất cả đã rơi xuống thì mặt đường đầy những tờ lịch trắng bằng lòng bàn tay với những con số in trên đó, đôi khi còn có cả những hàng chữ ghi xuống của các ký giả, của các nhân viên dùng lịch nữa.Thả thời gian đi cũng có nghĩa là thả theo cả công việc của một năm qua.

 Rơi như thế nào, thì từ trên khung cửa sổ cao ngó xuống, tôi đều thấy đẹp vô cùng. Những cánh bướm thời gian đang quay vòng luân vũ. Lúc đó, tôi còn trẻ nên chưa biết tiếc thời gian, chỉ thấy mang mang buồn vui lẫn lộn giữa cái không khí thay đổi của vạn vật trong đất trời.

Tuổi trẻ, nhìn ngày tháng cũ bay bay trong không gian thấy lòng mình lạ lắm. Tiếc ngày qua thì ít, nhưng mong ngày mới đến với tất cả hân hoan. Cuối năm dương lịch, tức là sửa soạn vào Tết âm lịch. Tết với bao nôn nao của tuổi trẻ, tuổi đang yêu đương mơ mộng. Trong thời chiến, biết bao người con gái mong đợi Tết đến, người yêu trong quân ngũ sẽ được nghỉ phép về ăn Tết. Sự trở về đó mang bao nhiêu thương mến!

Một điều gì đó có tên là hạnh phúc đón chờ mình trong những ngày mới đang đi tới.

Những năm tháng đó không bao giờ còn tìm lại được nữa.

Bốn mươi năm đã đi qua. Tôi bây giờ đứng đây, nhớ lại ngày xụp đổ miền Nam vẫn tưởng như một cơn mộng dữ. Trời đất mới vào tháng 3 âm lịch. Nhà nông mới bắt đầu xới đất trồng đậu, trồng cà. Cả một chuỗi ngày tháng xếp đặt cho mọi công việc trước mặt. Người dân miền Nam cần cù như những con ong bắt đầu làm mật.

 Chúng ta tất cả, bỗng nhiên phải đối mặt với định mệnh nghiệp ngã của đất nước. Chúng ta tan tác như chưa từng bao giờ tan tác như thế. Người ở núi chạy xuống đồng bằng, người ở đồng bằng chạy ra biển. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng. Tướng mất quân, quân mất dân. Một cơn đại hồng thủy lửa và máu nhiều hơn nước.

Kim đồng hồ đứng lại. Thời gian ngừng trôi. Hàng ngàn, hàng vạn cái chết tức tưởi không ai ghi rõ ngày giờ.

Tờ lịch ngày thứ Tư, 30 tháng 4 năm 1975 đã đứng lại trong trái tim của tất cả con dân Việt từ Nam Quan cho đến Cà Mau.

Chỉ có sự khác biệt, mỗi người Việt đã giữ lại ngày 30/4 đó trong tim họ như thế nào.

Chắc chắn cái ký ức nạm vàng của kẻ này đã là ký ức máu và nước mắt của người kia. Điều đáng tủi buồn, cả hai người đó cùng là người Việt Nam.

Thế mà, bốn mươi cái Tết đã đi qua rồi đấy!

Trong mấy tháng đầu tiên ở Mỹ, có một lần tôi tìm được ở garage sale một cái đĩa sứ in nguyên năm lịch của năm 1975. Tôi đã mua đem về treo trong nhà và vẫn giữ cho đến bây giờ. Chiếc đĩa này tôi sẽ trao cho con tôi, để mai sau khi tôi không còn nữa, chúng sẽ nhớ ngày, nhớ tháng, nhớ năm, mẹ phải bỏ nước ra đi.

Cuối năm, năm ngoái, khi ghé vào hiệu sách gần nhà, lang thang tìm mua mấy cuốn sách nhi đồng cho cháu, tôi chợt nhìn thấy loại lịch để bàn, xé từng tờ mỗi ngày. Tôi đứng ngẩn người ra ngắm, như ngắm một người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Tất cả dĩ vãng xa xưa chạy về trong trí óc của một phụ nữ luống tuổi. Tôi ngắm nghía từng cuốn lịch với những đề tài khác nhau. Bối rối không biết nên chọn cho mình cuốn nào, để mỗi lần xé là một lần nhắc về quá khứ.

Tìm mãi chẳng có cuốn nào đúng theo ý mình. Cuối cùng tôi đành chọn một cuốn, mỗi ngày có một câu nói vui, để giúp lòng thanh thản. Mua về để trên bàn viết, ngay sát máy vi tính để nhớ xé. Kiếm sẵn một cái hộp để cạnh cuốn lịch, khi xé tờ nào thì cất ngay vào đó. Hai tháng đầu, tôi nhớ lắm, mỗi ngày xé một tờ, dần dần bận chuyện hàng ngày, cả tuần quên xé. Khi nhìn con số ghi ngày trên lịch và con số ở góc máy vi tính khác nhau, mới vội vàng xé. Đã có lúc tôi quên nguyên một tháng không xé, khi phải xé một nắm dày thời gian trong tay thấy lòng chùng hẳn xuống.

Tôi đã đủ già, để biết tiếc thời gian.

Những tờ lịch mới luôn luôn là một đề tài lôi cuốn trong đời sống. Nên mỗi năm, người ta làm lịch đủ mọi hình thức và mang những nội dung khác nhau, dù cũng chỉ là đếm ngày tính tháng. Bức hình phong cảnh thanh nhã hay hình súc vật hiền lành, hình ca sĩ, tài tử lộng lẫy,v.v…thì cũng vẫn ngày tháng đó. Hình ảnh hấp dẫn tới đâu cũng không kéo tháng dài ra thêm một ngày hay cắt đi ngắn một ngày trong  tuần được.

 Những câu danh ngôn, câu thơ in trên lịch cố níu kéo thời gian trên cánh chim mùa xuân, hay thả thời gian bay như cánh ong mùa hạ cũng chẳng giúp được gì. Tờ lịch thản nhiên làm nhiệm vụ rất nghiêm chỉnh của nó: Rơi từng giọt thời gian mỗi giây, mỗi phút.

Thời gian tự nó trôi đi chứ không phải chờ tờ lịch rơi xuống mới đi theo.

Thi sĩ Thanh Nam, định cư ở Seattle, Washington khi cám cảnh thời gian của người di tản là chính mình, đã viết:

Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một tháng Tư.

Cái tháng Tư đứng lại trong tim, trong trí mỗi người Việt di tản chứ không đứng lại trên tờ lịch. Chúng ta đã thay tới cuốn lịch thứ bốn mươi rồi. Bốn mươi năm đó biết bao nhiêu sự việc xảy ra chung quanh đời sống chúng ta. Có ai nhìn xuống cuốn lịch rồi bâng khuâng tự hỏi: Ta đã làm được gì cho mình, cho người, cho quê hương đất nước. Dòng thời gian bốn mươi năm ta xé mỗi ngày, có sót lại chút gì trong lòng bàn tay không?

Sang Mỹ mấy chục năm, tôi quên cái hình ảnh những cánh bướm thời gian thả vào một buổi chiều cuối năm dương lịch, quên cái nôn nao của yêu đương, mơ mộng và đôi khi quên mất tuổi mình.

Cuối năm dương lịch vừa đi qua, tôi mở chiếc hộp thời gian ra, nhặt lên những tờ lịch chính tay mình đã xé, thấy lòng mình chùng xuống. Bây giờ mang nắm thời gian này thả đi đâu? Tôi không ở cao ốc, làm sao mà mở cửa sổ tung xuống đường như những ngày còn ở Sài Gòn. Cái balcony nhà tôi không đủ cao và nếu tôi có vứt xuống thì chính tôi sẽ là người phải đi gom lại, vì sợ thời gian của tôi bay tung khắp nơi, làm phiền hàng xóm. Tôi đành bỏ tất cả vào lại trong hộp, chờ ngày 23 tháng chạp âm lịch, hóa lịch thay cho hóa vàng, tiễn ông Táo về trời.

Tôi đi mua một cuốn lịch để bàn cho năm 2015. Tôi lại bắt đầu xé thời gian mỗi cuối ngày. Tôi hỏi vào không gian trước mặt:

-         Tôi còn xé thời gian như thế này của bao nhiêu cuốn lịch nữa?

Không gian im lặng.

Tôi biết rằng nếu tôi có hỏi một ai đó, cũng sẽ không ai trả lời cho câu hỏi của tôi rõ rệt được. Họ chỉ phỏng đoán và phần đông đều đoán sai.

Tôi xé thời gian ra từng mảnh
sao vẫn còn nguyên tháng Tư buồn
tôi hóa thời gian theo vàng mã
tàn tro bám chặt ở trong hồn (tmt)

Đã bao nhiêu tờ lịch rơi xuống, bay đi trong bốn mươi năm, nhưng tờ lịch ngày 30 tháng Tư thì hình như không rơi xuống, không bay đi được, nó nằm chôn sâu trong lòng những người miền Nam và thời gian dừng lại ở đó…..ở đó. Thời gian không có tác động gì với những trái tim người di tản.

 Tết Ất Mùi -2015







  





Sunday, February 1, 2015

MÙA PHẤN HOA ANH TÚC

         

Hai người ngồi đối diện nhau. Chàng mặc một chiếc áo mầu xanh hồ thủy đậm, chiếc áo rộng hơn thân thể chàng, thỉnh thoảng lại phất phơ khi chàng chuyển mình. Nàng đăm đăm nhìn chàng, hỏi:

-         Anh bây giờ thế nào?

-         Tôi vẫn thế, bằng lòng với cuộc sống của mình.

Thế có nghĩa là chàng vẫn còn độc thân, vẫn ở ngôi nhà này một mình. Nàng nhìn chung quanh gian buồng nhỏ, với những bức tường trong suốt, đây đó bày mấy chậu cây dương xỉ màu xanh.
 
Nàng biết người vợ của chàng đã bỏ đi khi mấy đứa con còn bé lắm. Một mình chàng nuôi chúng trong gian nhà này, rất khó khăn, nhưng rồi cũng qua. Tụi nhỏ lớn lên, cũng đã bỏ đi, đã có đời sống khác. Nàng tự nhủ: “Chàng ở một mình mãi chưa thấy cô đơn à?”
  
Cả hai nhìn nhau khá lâu, thỉnh thoảng nàng thấy vạt áo sơ mi của chàng lại phồng lên như có gió thổi từ bên trong. Nàng xích lại gần thêm chút nữa, chàng không né, chỉ hơi nghiêng mình một chút nhưng vẫn đăm đắm nhìn nàng. Thật ra thì cả hai bên không rời mắt nhau. Những bức tường như trong hơn, mấy bụi dương sỉ như xanh hơn.

Nàng hiểu chàng rất rõ, chàng luôn luôn là kẻ hiếu thắng và cao ngạo, chàng không có bạn, vì chàng dễ nổi giận. Chàng chỉ có thể ở một mình hay ở với phái yếu mà thôi. Ngay cả một con người khác của chàng hiện lên trong gương, chàng cũng không chịu được. Trong căn nhà chàng ở không có một tấm gương nào. Có lẽ đó là  điểm yếu nhưng cũng là điểm quyến rũ của chàng.

Nàng nghe rõ cả tiếng chàng thở và tiếng trái tim mình đập. Thế giới chung quanh như ngưng hẳn lại. Nắng bên ngoài cửa sổ như đổ tràn vào căn buồng nhỏ, cây cam ngoài vườn trái đã rám nắng mà bày ong vẫn tìm đến, bụi hoa Anh Túc màu đỏ với những cánh hoa như lụa mỏng, khi gió thổi cánh hoa uốn lượn giống chiếc áo nàng đang mặc. Những con bướm đậu xuống, bay lên, lại đậu xuống, trông như đang khiêu vũ trên hoa. Nàng biết mùa này là mùa hoa Anh Túc rụng phấn. Phấn của hoa Anh Túc làm người ta điên đảo.

Nàng nghe một điều gì rất lạ râm ran trong bụng. Đã đến kỳ rụng trứng rồi à? Nàng nghe tiếng thở mạnh bên má mình, hơi thở luồn cả vào mấy sợi tóc mai, làm vành tai nàng đỏ rực, lan ra đến sau gáy, rồi hơi nóng đó như có chân bò vòng trên cổ nàng, lan xuống ngực.

Ôi trái tim đã vì ai mà rạo rực!

Nàng muốn trườn người nhích sang một bên, nhưng chậm mất rồi. Trong im lặng, chàng đã quấn chặt lấy nàng, nàng có cảm tưởng như toàn bộ xương trên người nàng đang gẫy dòn, nàng bật lên những tiếng kêu vừa đau đớn vừa hạnh phúc. Nàng nhắm mắt lại, tâm và thân đều bị chiếm đoạt. Chàng không nói một câu, vạt áo xanh của chàng như bọc kín lấy nàng, màu đỏ của áo nàng như nhòe đi, trộn lẫn vào màu xanh, cả hai cùng trầm xuống một màu tím sậm.

Căn phòng trong suốt bây giờ không còn trong suốt nữa, những chiếc bong bóng như bọt nước bềnh bồng trôi, kết lại thành cái vòng tròn như một quả địa cầu nhỏ, ôm chặt lấy cả hai. Thời gian như ngừng lại.

Chính trong khoảnh khắc này, nàng thấy trứng trong noãn sào rơi xuống. Từng cái, từng cái một. Nàng đang làm nhiệm vụ Mẹ Thiên Nhiên giao phó. Nàng mang hết tình yêu, sự xúc động, nỗi đam mê, vào sứ mạng này.

Nhưng rồi sau cơn mê đắm đó nàng cũng troài được người ra khỏi chàng. Nàng quay lưng lại, nàng rũ vạt áo màu đỏ, bỏ đi về một nơi khác không hề ngoái đầu lại. Để chàng ngơ ngác trong quả cầu bong bóng ngũ sắc với những chiếc trứng của nàng.

Chàng nằm co, ôm mớ trứng. Nhắm hai mắt lại, chàng liên tưởng đến những người đàn bà áo đỏ, đã ghé qua đời chàng, để lại những đứa con cho chàng nuôi dưỡng.

Ôi đàn bà!

Ngoài vườn, gió vẫn thổi, hoa Anh Túc vẫn đang rụng phấn.

1/28/2015

(*) Truyện viết theo đời sống của Cá Siamese Fighting Fish-Wikipedia