Sunday, April 27, 2014

CON CHIP THI SĨ

Hương xếp hàng chờ đến phiên mình vào gặp chuyên viên phân khoa cho các môn học trong chương trình của “Dự Án Tương Lai”. Các bạn của Hương đã nhận những con CHIP từ tuần trước, Hương là người chậm chạp nhất trong đám bạn mình. Những người trong đám xếp hàng này không ai là bạn của Hương cả, họ chắc cũng bị phân vân giữa những chọn lựa môn học như Hương.


Cả tháng nay cha mẹ Hương tranh cãi về tương lai của Hương. Tương lai của hậu thế kỷ 21, là một thách đố rất lạ lùng. Học sinh bước vào Đại Học không tùy theo khả năng và sở thích học nữa, mà tùy theo mình muốn chọn nghề gì sau này, thì chỉ cần mua con chip của môn đó gắn vào óc, Chip sẽ giúp óc học viên thu nhập dữ kiện, tồn trữ và hấp thụ được môn học đó có kết quả.

Người ta không cần có trí thông minh hoặc không cần dùng đến trí thông minh nữa, nếu có. 

Thị trường Chip phải tính theo bao nhiêu phần trăm của từng lãnh vực học vấn mà con số chip sẽ được đưa ra. Nếu lãnh vực nào nhiều người đã ghi tên thì phải ngưng lại vì sẽ không đủ việc làm. Những chuyên viên biết chắc chắn là khi con chip được cài vào óc thì học viên đó sẽ ra trường, sẽ xuất sắc dù môn học đó có khó đến đâu. Con chip sẽ giúp họ họccó kết quả tốt đẹp. Không bao giờ có cảnh một Bác Sĩ bất tài tốt ngiệp nữa, hay một Luật Sư chỉ biết cãi cho những tai nạn xe cán chó.

Ở thế kỷ mà chỉ cần bạn muốn giỏi về môn học nào, một con chip cài vào trong óc sẽ giúp bạn thông thái về môn học đó, dĩ nhiên đẩy con người vào tình trạng lúng túng trong việc lựa chọn. Vì sở thích và khả năng cá nhân hầu như không còn là hàng thứ yếu nữa, nó bị đẩy lùi ra sau cho một tính toán thực tế: làm ra nhiều tiền.

Mẹ muốn cho Hương học Y Khoa, ba muốn Hương học Thương Mại. Ba nói, một thương gia giỏi, kiếm nhiều tiền hơn một bác sĩ. Nhìn mấy ông tỷ phú của Mỹ ở đầu thế kỷ thì biết, dù lúc đó mấy ông chưa có chip mà gắn.

Còn Hương, cái Hương muốn gắn, trời mà biết. Hương không hề cho ba, mẹ, cho bạn thân biết. Hương sẽ tự chọn con Chip đó cho riêng mình, trong bí mật.

Hương tiến đến trước mặt người đàn ông, ông hỏi mã số của cô rồi bấm vào máy. Tên, ngày sinh và, trường học của Hương hiện ra trên màn ảnh.

Ông xoay mặt màn ảnh về phía Hương, bấm một cái nút khác. Hương nhìn thấy một bảng giá tiền của: Y-Khoa căn bản; Y-Khoa phát minh; Tiến Sĩ Luật Khoa; Kỹ Sư Điện Toán; Cao Đẳng Thương Mại, Người Mẫu, v.v… Mỗi cái một giá khác nhau. Xem ra thì học Y-Khoa đắt nhất. Sau đó thì giáo sư, hội họa, báo chí, giá thấp hơn cả.

Hương rụt rè hỏi:
Tôi không thấy giá chip cho học viên muốn trở thành một thi sĩ.

Người đàn ông hơi nhỏm lên trên ghế, đưa cái đầu ông gần Hương hơn, hỏi cho rõ:
Thi sĩ ?

Hương gật đầu:
Vâng. Tôi cần con chip thi sĩ.

Để cho cô làm thơ?

Vâng.

Chúng tôi chưa có, cô là người đầu tiên hỏi về con chip đó.

Ông ta lại ngồi bật cái ghế ra phía sau cho xa Hương ra một chút.

Tôi không biết, nhưng theo tôi thì không bao giờ có. Chúng tôi đang bận tối mắt với những con chips làm ra tiền cho học viên, chưa ai nghĩ ra là xã hội cần một cái công việc có tên là Thi Sĩ cả.

Hương cố hỏi tiếp:
Ông có nghĩ là sang niên khóa tới sẽ có không?

Người đàn ông nhìn vẻ mặt thất vọng của Hương với ánh mắt thương cảm, ông chậm rãi nói:
Tôi nghĩ sẽ không bao giờ người ta làm ra con chip đó để bán. Trước tiên là nó sẽ không bán được vì cả mấy chục ngàn học sinh ra trường thì chưa chắc có một người mua. Người ta chỉ sản xuất ra những cái gì có thể tính toán được. Thơ như mây trên trời như nước ngoài biển khơi, như nắng lung linh trên lá. Nó không có hình dáng nhất định, chẳng trước chẳng sau, biến ảo khôn lường nên không biết dựa vào đâu mà sản xuất. Nhiều hãng đã đầu tư tiền bạc, thuê mướn bao nhiêu bộ óc thông thái, mua thơ hay của thế giới từ cổ chí kim cho học, cho đọc, cố tìm ra một cách nhanh nhất, tốt nhất để sản xuất ra những câu thơ hay cho vào con chip. Nhưng họ bất lực. Đọc một câu thơ thấy hay, nhưng tìm cho ra cách làm ra câu thơ hay thì đành chịu.

Điều quan trọng thứ hai là nếu có cố gắng tạo ra được một con chip cho thi sĩ, thì nó lại không cài vào óc được.

Thi sĩ họ không học bằng óc. Họ làm thơ từ TÂM, và tâm đó đi liền với máu. Một em bé sơ sinh có mang theo trong máu em, dòng máu của thi sĩ không, thế thôi. Không ai cấy chip thi sĩ vào máu em được. Nếu cấy được thì đó là một Thi Sĩ Giả.

Ngừng một lúc cho những lời của mình thấm vào đầu óc cô tân sinh viên, ông nói tiếp: chúng tôi cũng biết là những Bác Sĩ, Luật Sư, Kỹ Sư ,v.v dùng chip thìđược, vì những người này khi làm việc, họ chỉ dùng đến bộ óc, hiếm hoi lắm mới có người dùng đến trái tim. Nhưng dùng chip để tạo ra một Thi Sĩ Giả thì quả thật chúng tôi không nỡ làm, mà có làm thì cũng chẳng bán được cho ai.

Hương vẫn ngồi yên trên ghế, hình như cô không muốn về. Tại sao ở thời đại siêu công nghệ này, bất cứ nghề gì cũng có thể mua chip cài vào óc để học được mà người ta lại không thể làm một con chip cho mình thành thi sĩ.

Người đàn ông giơ tay vuốt mái tóc muối tiêu của mình đứng ra khỏi ghế, tiến lại gần Hương.

Tôi còn nhiều người phải tiếp nữa, nhưng tôi rất thông cảm cho cô. Cô cứ về đi, cô không cần một con chip nào cài vào cả. Con chip thơ đã ở trong cô rồi.

Nội chuyện cô tìm đến đây để tìm mua con chip thi sĩ trong thời đại này thì đã là một bài thơ rồi. Tôi nghĩ trong máu cô đã có chất thơ hòa vào, nên cô mới nghĩ ra những điều không thực tế và đi ngược lại với những người chung quanh như vậy. Cô đang là một thi sĩ rồi đấy. Tiếp tục làm thơ đi.

Đưa tiễn Hương ra khỏi văn phòng, người đàn ông đặt tấm bảng “Closed for lunch”, rồi khép cánh cửa lại. Ông cúi xuống gầm cái tủ sắt chứa đựng những con chips, lôi ra một quyển sách nhỏ, kéo cái ghế cho ngả nằm hẳn ra.

Nhân viên phòng bên cạnh, khẽ đẩy cánh cửa vào để một hộp Chips mới về trên bàn ông, ông đang ngủ, anh ta nhìn thấy cuốn sách úp trên ngực ông có hàng chữ:

“Unseen Rain-Quatrains of RUMI” (2) 

Trần Mộng Tú
4/2014
=